Nghị lực vươn lên thoát nghèo ở vùng “đá đỏ” Quỳ Châu

19/09/2016
(VBSP News) Lên xã Châu Hội thuộc huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), hỏi chuyện làm ăn giỏi, ai cũng kể và khâm phục gia đình bà Hà Thị Đào, dân tộc Thái ở bản Châu Hội 2. Gần 9 năm về trước, gia đình bà Đào là một trong những hộ nghèo “thâm niên” của bản. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay gia đình bà Đào đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá của địa phương. Hiện nay gia đình bà có 15 con trâu, bò, 1 xe ô tô tải nhỏ, máy xay xát lúa, máy đóng gạch xi măng, ao cá, đồng thời có thêm cả dịch vụ cho thuê rạp cưới.
Vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình bà Hà Thị Đào thoát nghèo bền vững

Vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình bà Hà Thị Đào thoát nghèo bền vững

“Quê tôi, nơi mảnh đất đã một thời nổi tiếng với đá đỏ Quỳ Châu từ mấy chục năm trước, đã từng là nơi giàu có về tài nguyên khoáng sản nhưng cũng là nơi đã hứng chịu sự tàn phá về môi trường, nhiều sự mất mát khác về kinh tế, đời sống của bà con rất khó khăn do ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội từ nạn “đá đỏ” trước đây…”, điều bà Hà Thị Đào kể khiến nhiều người liên tưởng đến việc bà sắp nói về vùng đất một thời oanh liệt với việc khai thác “đá đỏ”. Nhưng không, bà đang nói về nơi bà đang sinh sống, nơi mà tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 60%, đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 90% dân số toàn xã, đời sống người dân chủ yếu nhờ vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp thuần túy, các ngành nghề khác phát triển chưa nhiều.

Gia đình bà lấy nghề nông làm chính, là một trong những hộ nghèo thuộc diện khó khăn trong bản. Nhà có 5 khẩu, trong đó có 2 lao động chính và 3 con đang tuổi ăn học. Trong lúc kinh tế khó khăn, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh thì được cán bộ thôn, bản, Tổ tiết kiệm và vay vốn phổ biến chủ trương cho vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, bà đã được giải thích, hướng dẫn và xin gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Năm 2007, gia đình bà Đào được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Được Hội Nông dân, cán bộ bản, Tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn, gia đình bà quyết định mua 2 con bò sinh sản. Đến năm 2010 bò đẻ được 7 con bê, nhưng do thiếu kinh nghiệm và chưa quan tâm đến việc phòng, chống dịch bệnh cho nên bò, bê còi cọc. Nợ đến hạn, gia đình bà Đào phải bán 1 con bò và 1 bê con để trả nợ. Chi phí học hành của các con vượt quá khả năng kinh tế của gia đình, dù đã được NHCSXH cho vay tiếp từ chương trình HSSV. Do vậy đến năm 2010, gia đình vẫn chưa thoát nghèo.

Năm 2011, gia đình bà Đào được bình xét cho vay thêm 15 triệu đồng cùng với số vốn gom góp được lâu nay, mua thêm 1 con bò và 2 con trâu sinh sản. Lần này, nhờ học hỏi kinh nghiệm và được cán bộ tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, đàn trâu, bò của gia đình bà phát triển tốt, tăng trưởng nhanh. Năm 2013, gia đình tiếp tục được vay thêm 8 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư mở rộng chuồng trại và xây dựng hệ thống nước sinh hoạt.

Được Nhà nước cấp 14ha rừng, năm 2015, gia đình bà tiếp tục xin vay vốn chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với số tiền 30 triệu đồng để trồng keo, xen trồng cỏ cho đàn trâu, bò. Sau một thời gian đầu tư chăn nuôi sản xuất có hiệu quả, biết tận dụng tối đa các cơ sở hiện có, kinh tế gia đình bà Đào đã dần ổn định, có nguồn thu nhập tăng thêm từ sản xuất chăn nuôi, đất rừng… Nay gia đình bà có tổng đàn trâu, bò lên tới 30 con, không những thế, bà còn mua được máy xay xát, máy đóng xi măng, đồng thời có thêm dịch vụ cho thuê rạp cưới, bát đĩa phục vụ đám cưới cho các gia đình tại địa phương, bình quân thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí. Việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động của gia đình và địa phương. Đặc biệt, niềm vui to lớn và hãnh diện nhất của gia đình bà đó là đứa con gái út đã trúng tuyển và đang theo học tại trường Đại học Vinh.

“Để có được như ngày hôm nay có thể đối với nhiều người là điều không quá lớn nhưng đối với gia đình tôi, nhất là đối với nơi có điều kiện khó khăn như ở Quỳ Châu, thì đó cả là một giấc mơ, giấc mơ mà trước kia tôi chưa từng dám mơ tới. Trong đó, cấp ủy, chính quyền xã Châu Hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn nơi bản làng tôi đang sinh sống và NHCSXH huyện Quỳ Châu là những người đã có công rất lớn, luôn đồng hành để chắp cánh cho ước mơ của gia đình tôi trở thành hiện thực”, bà Đào xúc động nói.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hội, Sầm Thị Hòe cho biết: Ngoài tấm gương của bà Hà Thị Đào, nhờ được vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước nên nhiều hộ nông dân của xã đã từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quỳ Châu từ 50% năm 2011 xuống còn 30% năm 2015 (theo tiêu chí cũ).

Có thể thấy, cùng với nghị lực vươn lên của đồng bào, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã, đang và sẽ là động lực, điểm tựa vững chắc cho người dân Quỳ Châu thoát nghèo bền vững.

Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác