Triệu phú miến dong Triệu Thị Tá
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, ít ruộng, chỉ học hết lớp 3, Triệu Thị Tá đã phải nghỉ học theo bố mẹ lên nương. Không có đất cấy lúa, theo bà con dân bản chị Tá trồng dong riềng, xay ra bột bán cho những gia đình làm miến kiếm tiền mua gạo. Sau nhiều năm bán bột, thấy họ làm miến thu nhập cao, một câu hỏi lớn đặt ra cho cô gái trẻ người dân tộc Dao rằng tại sao họ làm được mình lại không thể?.
Để tìm câu trả lời, năm 2011, Triệu Thị Tá một mình “khăn gói” xuống Thái Nguyên xin làm thuê tại một cơ sở chế biến miến dong. Vừa làm, vừa học, lắng nghe và quan sát, sau hơn một tháng chị về quê, mạnh dạn vào nghề. Nhưng, quê chị ở tận vùng cao Phiêng Khăm, đường sá đi lại khó khăn, ai vượt đèo, lội suối để tìm mua miến dong? Đang loay hoay tìm vốn vay, thì được giới thiệu về các chương trình cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp từ NHCSXH huyện Ba Bể. Được cán bộ Hội Nông dân xã Yến Dương, Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn chi tiết, tận tình, chỉ ngay sau thời gian ngắn, gia đình chị được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Có vốn, chị đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất, mua đất gần tỉnh lộ 258 xây dựng cơ sở chế biến, làm mặt bằng phơi dong riềng. Từ đó, tại thôn Nà Viễn mọc lên một cơ sở sản xuất “Miến dong Triệu Thị Tá”.
Hành trình tạo ra sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường không đơn giản, chị Triệu Thị Tá chia sẻ: Lúc đầu mới đi vào sản xuất, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên có những mẻ miến không thành. Không nản, chị rút kinh nghiệm qua những lần thất bại, dần dà “Miến dong Triệu Thị Tá” được sản xuất theo một quy trình và được quản lý chặt chẽ, chỉ sử dụng loại bột dong riềng hoa đỏ (giống địa phương) để làm miến. Gia đình chị cũng tự trồng dong (khoảng 3ha) để cung cấp một phần nguồn bột, còn chủ yếu mua bên ngoài (chiếm đến 60% lượng bột sản xuất). Bột mua về phải ngâm và lọc thay nước nhiều lần, sau đó phơi khô để làm. Phên phơi được rửa sạch, phơi khô rồi lau một lượt mỡ để chống dính, nên chất lượng sợi miến dong trong, nhỏ đều, thơm, mịn và dai, và đặc biệt là 3 không: Không có sạn - Không hoá chất -Không phụ gia; có thể nấu đi, nấu lại nhiều lần không bị nát.
Khi sản phẩm làm ra đã “ưng cái bụng”, bản thân chị lại trực tiếp đi giới thiệu sản phẩm, biếu không sản phẩm để mọi người dùng thử. Ba, bốn năm nay “Miến dong Triệu Thị Tá” có mặt ở nhiều hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh. “Qua tiếp thị, mỗi lần nhận được lời khen của khách hàng tôi có thêm động lực để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”, chị Tá tâm sự.
Sản phẩm miến dong của cơ sở sản xuất Triệu Thị Tá được thị trường ưu chuộng, lượng miến làm ra không đủ bán. Từ năm 2012, cơ sở sản xuất “Miến dong Triệu Thị Tá” được cấp giấy phép kinh doanh,có bao bì riêng và đăng ký nhãn hiệu. Hiện, mỗi năm cơ sở của chị Tá tiêu thụ khoảng 200 tấn bột dong cho bà con các dân tộc ở Yến Dương - xã trồng dong riềng nhiều nhất huyện Ba Bể, để sản xuất ra hơn 60 tấn miến thành phẩm. Với giá bán 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chị thu về khoảng 400 triệu đồng/năm. Miến sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Nhờ vậy, chị giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng.
“Tháng 9 này đến kỳ hạn trả hết nợ vay NHCSXH. Những năm qua, tín dụng chính sách đã giúp mình lập nghiệp rồi đứng vững với thương hiệu “Miến dong Triệu Thị Tá”, không có vốn vay chính sách thì mình không làm được đâu”, chị Tá khẳng định.
Nói về định hướng, chủ cơ sở sản xuất miến dong Triệu Thị Tá chia sẻ: Hiện nay, cơ sở chỉ thu mua tinh bột để sản xuất miến, đang mong muốn có mặt bằng để đầu tư hệ thống sản xuất khép kín từ chế biến tinh bột, hệ thống sấy bột để tạo ra một sản phẩm đồng nhất; nâng công suất lên 70 - 80 tấn miến/năm. Đồng thời, để ổn định vùng nguyên liệu cơ sở sẽ chủ động ký cam kết với các hộ dân trên địa bàn xã trồng dong riềng và bao tiêu sản phẩm.
Từ những bước đi đầu tiên, bằng chất lượng đã được khẳng định trên thị trường, năm 2014, miến dong Triệu Thị Tá đã được bình chọn là một trong 61 sản phẩm đạt giải Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc, do Cục công nghiệp địa phương trao tặng, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Là cơ sở duy nhất trên địa bàn tỉnh sản xuất miến rút theo phương pháp truyền thống, một lần nữa khẳng định, Triệu Thị Tá không chỉ tạo dựng thương hiệu cho riêng mình, mà còn trở thành điển hình tiêu biểu, là một minh chứng cụ thể trong việcsử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách của Chính phủ để vươn lên làm giàu một cách chính đáng cho quê nhà.
Bài và ảnh Hồ Minh Trang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người thương binh dưới chân núi Ngàng
- » Chàng trai dân tộc Mông làm kinh tế giỏi trên cổng trời Quản Bạ
- » Thành công nhờ quyết tâm theo đuổi ước mơ
- » Trưởng bản làm kinh tế giỏi
- » Người thắp lửa xóa nghèo vùng cao Mù Cang Chải
- » Người “vác tù và hàng tổng” của thôn Đá Đinh 2
- » Nữ Tổ trưởng nhiệt huyết quên tuổi tác
- » Người CCB không cam chịu nghèo khổ
- » Ý chí thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Dao nơi miền sơn cước
- » Từ một tấm lòng nhiệt huyết