“Cầu nối” giúp Suối Hón thoát cái nghèo

19/09/2016
(VBSP News) “Giờ thì bà con trong thôn Suối Hón đều biết về tín dụng chính sách. Tín dụng chính sách đã trở thành “cứu tinh” đầu tiên mà người dân nghĩ tới khi muốn trồng rừng, trồng chè hay SXKD phát triển kinh tế hộ gia đình. Đóng góp trong thành công đó phải nhắc đến vai trò là cầu nối“ giữa NHCSXH với người nghèo của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Lục Văn Vui“, ông Hoàng Văn Hậu - Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết.
Tổ trưởng Lục Văn Vui (áo đỏ) trao đổi thông tin về các thành viên vay vốn trong Tổ tiết kiệm và vay vốn do mình quản lý với cán bộ NHCSXH

Tổ trưởng Lục Văn Vui (áo đỏ) trao đổi thông tin về các thành viên vay vốn trong Tổ tiết kiệm và vay vốn do mình quản lý với cán bộ NHCSXH

Tổ trưởng tâm huyết và trách nhiệm

Thôn Suối Hón, xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới là thôn thuần nông với hơn 80 hộ và 310 nhân khẩu, có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, La Chí và Sán Chỉ). Mật độ dân cư thưa thớt, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, vì vậy, trước đây thu nhập của các hộ dân rất thấp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn nhiều hộ gia đình mang nặng những phong tục lạc hậu, mặc dù đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Chính phủ, song để thay đổi những tồn tại và đảm bảo cho sự phát triển kinh tế cũng như từng bước giảm nghèo cho các người dân trong thôn không thể đòi hỏi trong một thời gian ngắn được.

“Cách đây hơn chục năm, tín dụng chính sách còn khá mờ mịt, mông lung đối với bà con dân tộc, miền núi nơi đây. Không ai biết vay như thế nào, lãi suất ra sao, vay để làm gì”, ông Lục Văn Vui nhớ lại quãng thời gian mới bắt đầu đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn - thế rồi, trong các cuộc họp thôn, cùng với cán bộ tín dụng quản lý địa bàn của NHCSXH, tôi cố gắng tuyên truyền cho bà con. Người này nói với người kia, một hai nhà vay thấy tiền vốn chính sách có hiệu quả, thế là có lúc không chờ tôi tuyên truyền, bà con chủ động đến hỏi và tôi nhiệt tình tư vấn cho bà con ngay”.

Năm nay 45 tuổi nhưng ông Vui đã có hơn 13 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, kể từ năm 2003 khi NHCSXH bắt đầu thành lập. “Nhiệm vụ ủy nhiệm không phải khó, mà đơn giản là phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm. Bản thân các thành viên trong tổ phải gương mẫu, thực hiện đúng quy ước hoạt động đã đề ra, thẳng thắn công khai ngay từ khâu bình xét tổ viên khi vay vốn tránh cả nể, cảm tính cá nhân. Sau khi hướng dẫn để hộ vay tiếp cận được nguồn vốn rồi thì việc kiểm tra thực tế hộ vay sử dụng đồng vốn như thế nào rất quan trọng, do vậy chúng tôi luôn dành nhiều thời gian để thực hiện nội dung công việc này. Đồng thời, việc lưu trữ các loại sổ sách, chứng từ, hồ sơ cũng được tổ hết sức quan tâm, với phương châm “không biết thì hỏi, muốn làm tốt thì phải ghi chép cẩn thận””, ông Vui trải lòng.

Bà đỡ “mát tay”

Hiện, Tổ tiết kiệm và vay vốn do ông Lục Văn Vui quản lý có 36 tổ viên tham gia sinh hoạt với dư nợ 810 triệu đồng, nhiều năm liền tổ không có nợ quá hạn. Hiện tổ có 53 hộ gia đình đã thoát nghèo. Các hộ vay vốn chủ yếu để trồng rừng. Cả thôn có diện tích rừng trồng là 26ha. Vay trồng rừng 5 - 7 năm là hộ vay có thu nhập, bắt đầu ổn định được kinh tế gia đình. Trồng rừng chủ yếu là keo, sau 5 - 7 năm 1ha có thể bán được từ 60 - 70 triệu đồng. “Bà con Tày, Nùng gọi trồng rừng là “của để dành”, còn tiền chi tiêu hàng ngày, hàng tháng, nộp lãi ngân hàng… trông mong vào cây chè. Cả Tổ tiết kiệm và vay vốn của ông Vui có 44,5ha chè, cũng nhờ có cây chè mà 100% số hộ có điều kiện tham gia gửi tiền tiết kiệm, với số dư tiền gửi 25 triệu đồng”, ông Vui cho hay.

Ngoài ra, vốn vay còn ở các chương trình hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, HSSV, thương nhân vùng khó khăn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn… Rồi ông Lục Văn Vui hào hứng kể chuyện hộ gia đình bà Nông Thị Lẻn, hộ ông Lục Văn Khánh thoát nghèo bền vững nhờ trồng rừng, hay như hộ ông Hoàng Văn Cung rất nghèo nhưng có 2 con đi học, đã vay tiền chính sách từ chương trình tín dụng HSSV: “Giờ một cháu học đại học tốt nghiệp loại giỏi đã có công ty tuyển chọn đi làm, tháng 8 vừa rồi gửi về cho bố mẹ 12 triệu đồng trả nợ ngân hàng. Gia đình còn vay cho con thứ 2 đi học. Cả nhà ông Cung và bà con trong thôn đều phấn khởi lắm vì nhìn thấy có tương lai”.

“Là Tổ trưởng có kinh nghiệm, ông Lục Văn Vui luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng của đồng vốn chính sách mà tổ quản lý. Ông Vui cũng luôn phát huy tốt vai trò của Tổ trường, tích cực trong các hoạt động của NHCSXH nhằm gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm của địa phương”, Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Mới cho biết.

Bài và ảnh Minh Hồ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác