Tổ tiết kiệm và vay vốn “bốn không”

19/09/2016
(VBSP News) “Không nợ quá hạn, không tồn đọng tiền lãi, không xâm tiêu và không vay ké” là bốn tiêu chí mà Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố 2, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã duy trì trong nhiều năm qua. Kết quả đáng khích lệ như vậy là nhờ phần đóng góp công sức không nhỏ của nữ Tổ trưởng Nguyễn Thị Thông.
Tổ trưởng Nguyễn Thị Thông (bên phải) thường xuyên dành thời gian tới từng nhà tổ viên để kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay

Tổ trưởng Nguyễn Thị Thông (bên phải) thường xuyên dành thời gian tới từng nhà tổ viên để kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay

Năm 2004, bà Nguyễn Thị Thông được bà con trong khu phố 2 tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý. Lúc đó, khu phố 2 của thị trấn là địa bàn rất phức tập do tập trung nhiều thành phần dân cư khác nhau từ các địa phương khác chuyển đến sinh sống, làm ăn. Người dân chủ yếu sống bằng việc kinh doanh nhỏ, còn lại là sản xuất nông nghiệp. Do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, con cái không được đi học, không có công ăn việc làm…  

Trước thực trạng đó, bà Nguyễn Thị Thông đã cùng Hội Nông dân xã và NHCSXH huyện đến từng con ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn mục đích được vay nguồn vốn ưu đãi để chủ động sản xuất, kinh doanh. Khi mới thành lập tổ15 thành viên, dư nợ 120 triệu đồng, nhưng đến nay đã thu hút được 53 tổ viên tham gia, có dư nợ 1,2 tỷ đồng.

Tổ viên Phạm Thị Hương trong tổ nói, nhận thấy sự nhiệt tình, trách nhiệm cũng như việc bình xét cho vay vốn ưu đãi đảm bảo dân chủ, công bằng của Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà Thông phụ trách nên chị và nhiều người đã tự nguyện xin tham gia sinh hoạt trong tổ ngày một đông.

Đúng vậy, là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản, bà Nguyễn Thị Thông luôn gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ họ nhanh chóng tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Bà luôn trăn trở, bàn bạc, góp ý với từng tổ viên làm thế nào để khi nhận vốn vay để vừa sinh lời, vừa hoàn trả được gốc và lãi đúng kỳ hạn cho ngân hàng, nhưng vẫn cải thiện nâng cao cuộc sống gia đình. Bà Thông cũng rất vui mừng khi có nhiều hộ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ sử dụng vốn hiệu quả vào thâm canh ngô lúa, phát triển đàn trâu bò, lợn gà nơi vùng cao biên giới.

Điều đáng kể là trong suốt thời gian qua, Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố 2 không có nợ quá hạn và lãi tồn đọng. Khi được hỏi về “bí quyết” quản lý, bà Thông nhanh nhẹn chia sẻ: “Với vai trò trách nhiệm của người Tổ trưởng thì phải luôn tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn của NHCSXH, của Ban giảm nghèo xã và hàng tháng tham gia giao ban đầy đủ tại Điểm giao dịch xã, tổ chức sinh hoạt tổ, thường xuyên theo dõi kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ vay vốn Việc làm này không chỉ giúp cho bản thân tôi nắm bắt, tiếp thu kịp thời những vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, để tiến hành bàn bạc công khai, dân chủ ngay từ khi bình xét đối tượng được thụ hưởng đến quá trình sử dụng vốn vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề và thường xuyên đôn đốc mọi thành viên trong tổ thực hiện trả nợ, nộp lãi đầy đủ nên mới có được kết quả như ngày hôm nay”.

Bên cạnh đó, Tổ trưởng Nguyễn Thị Thông và Ban quản lý tổ luôn chú trọng thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ, tuyệt đối không thu phí, không thu các khoản thu khác ngoài tiền lãi, tiền tiết kiệm theo quy định.

Một trong những điềubà Thông thường xuyên chia sẻ cho các tổ viên đó là ý thức tiết kiệm. “Dù mỗi tháng chỉ để dành ra được vài ba chục nghìn thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phần tiền tiết kiệm đó sau này có thể giúp giảm bớt áp lực trả nợ gốc, trả lãi cho tổ viên. Hiểu được lợi ích đó nên trong những năm qua 100% tổ viên trong tổ đã tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm. Tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ đến nay là 61 triệu đồng”, bà Thông cho hay.

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tân Uyên, Phạm Chí Mười, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Tổ trưởng Nguyễn Thị Thông quản lý, nhiều hộ gia đình trongkhu phố đã được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tự mua sắm công cụ, phương tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, ổn định cuộc sống, mức sống của gia đình ngày một cao hơn, có điều kiện để cho con cái học hành đầy đủ hơn.

Bài và ảnh Thiện Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác