Gieo vốn nơi cuối trời Tây Bắc
“Cái cần cho bà con nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác của huyện Nậm Nhùn hiện nay là sự chuyển đổi nhận thức, phải bứt lên để thoát nghèo bền vững”, Bí thư Huyện ủy Nậm Nhùn Bùi Đức Dục, cho biết. |
Nậm Nhùn là huyện vùng biên nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, được thành lập từ tháng 11 năm 2012, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, diện tích, nhân khẩu của huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu. Nậm Nhùn có diện tích đất tự nhiên gần 139.000ha, 6/11 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 9/11 xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã, riêng xã Nậm Chà không có đường ô tô, không có điện. Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở lại bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ quét, mưa đá và gió lốc; giao thông đi lại khó khăn, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
NHCSXH huyện Nậm Nhùn vừa mới được thành lập vào tháng 7/2014. Hiện NHCSXH huyện Nậm Nhùn đang có giao dịch với 2.525 khách hàng với tổng dư nợ đạt hơn 47 tỷ đồng.
Chúng tôi cùng Giám đốc NHCSXH huyện Nậm Nhùn, Phạm Tiến Thành xuống xã biên giới Trung Chải, cách trung tâm huyện lỵ tới 80km. Bí thư Đảng ủy xã là người dân tộc Mảng, Lý Thị Chướng, tay bắt mặt mừng với tấm lòng chân chất, cởi mở. Bí thư xã cho biết: “Xã có 4 dân tộc anh em cùng chung sống, là 2 trong số 11 xã không có điện lưới, rừng núi là chủ yếu, gọi là bà con nông dân nhưng kỳ thực có ruộng đâu mà làm nông. Hộ nghèo chiếm 61,81% tổng số hộ của xã, bà con trong xã không bám đường như người miền xuôi mà họ được vay vốn ưu đãi vào trong rừng để trồng trọt, chủ yếu trồng thảo quả, chăn thả trâu, nuôi bò trong rừng, bám rừng để sinh sống. Có đồng vốn vay ưu đãi của Nhà nước chúng tôi quý lắm, ai cũng chắt chiu, dè sẻn, mong sao không có dịch bệnh, lũ lụt xảy ra là bà con mừng lắm rồi, như vậy chăn nuôi có lãi, sẽ trả được vốn vay cho NHCSXH, có tiền cho con cái chữ”.
Giám đốc NHCSXH huyện Nậm Nhùn Phạm Tiến Thành, chia sẻ: Xã Trung Chải có 254 hộ (1.378 nhân khẩu) thì có tới 111/254 hộ vay, chiếm 43,7% dân số xã với dư nợ 828 triệu đồng, nhưng mỗi lần đi giao dịch ở xã này nếu trời tạnh ráo bình thường cũng phải mất 3 ngày (1 ngày đi, 1 ngày giao dịch và 1 ngày về), còn gặp lũ thì về không được mà ở cũng không xong. Trên xe máy của cán bộ tín dụng huyện Nậm Nhùn, ngoài hòm tiền, máy phát điện ra, còn đèo thêm hai can xăng để chạy máy nổ phục vụ cho phiên giao dịch và sẵn sàng bổ sung xăng khi “hành quân” trở lại cơ quan. Đường đi thì quá dài mà điểm bán xăng lại quá ít. Đặc biệt hơn, trong hành trang còn thêm vài ba mét xích sắt phi 10 nữa, phòng khi trời mưa to núi lở, lũ cuốn ập về, lấp lối đường đi, thì phải nhanh tay cuốn xích sắt vào bánh xe mà kéo vượt đèo, lội suối, đưa tài sản về cơ quan an toàn.
Quả thật, nếu hạch toán kinh doanh như các Ngân hàng thương mại thì ít có một ngân hàng nào dám thực hiện tín dụng như NHCSXH, bởi có an toàn, lãi lớn đâu mà kinh doanh. Các cán bộ NHCSXH trong hệ thống nói chung, NHCSXH huyện Nậm Nhùn nói riêng khi vào ngành đã thấm nhuần đạo đức vì người nghèo, đã làm hết sức mình cho mục tiêu Chính phủ giao.
Chia tay mảnh đất vùng cao biên giới Nậm Nhùn, chúng tôi tiếp tục hành trình về huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa Mường Tè, 1 trong 64 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Mường Tè có diện tích đất tự nhiên 3.669km², chiếm 40% diện tích đất toàn tỉnh Lai Châu, cách trung tâm hành chính tỉnh Lai Châu tới 200km về phía Tây Bắc nhưng phải đi mất 1 ngày mới tới nơi. Theo hướng dẫn của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Mường Tè, Đào Văn Duy, chúng tôi đến thăm một số hộ vay vốn.
Trong căn nhà sàn còn thơm mùi gỗ, anh Đào Văn Trâm, dân tộc Thái, sinh năm 1970 ở bản Phí Chi A, xã Pa Vệ Sủ, thị trấn Mường Tè, cho biết: “Gia đình tôi là hộ nghèo được vay 30 triệu đồng theo diện hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ giữa năm 2011 của NHCSXH huyện Mường Tè. Cầm tiền trong tay, vợ chồng tôi mua ngay 2 con bò cái đang thời kỳ sinh sản. Sau 1 năm bò đã đẻ ra 2 bê con, tôi nuôi lớn rồi bán cả 2 được gần 30 triệu đồng. Bây giờ gia đình tôi vẫn còn 2 con bò mẹ sắp đến thời kỳ sinh sản và 2 con bê đã trưởng thành, nếu bán hết và trừ tất cả chi phí, thì vợ chồng tôi còn lãi trên 30 triệu đồng”. Nói xong, anh Trâm lại tất tả cho bò đi ăn cỏ nếu không bò sẽ đói.
Ở bản Là Hẻ, xã Pưm Lưa, chúng tôi gặp anh Chim Văn Yêu, sinh năm 1976, dân tộc Thái, được vay 30 triệu đồng từ tháng 11/2012. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn thoáng mát, anh Yêu nhoẻn miệng cười, kể lại: “Ban đầu tôi rất lo lắng vay số tiền lớn như vậy, nhỡ không may dịch bệnh trâu bò ngã bệnh thì lấy tiền đâu ra trả nợ cho ngân hàng? Thế rồi được các anh chị ở NHCSXH huyện và các tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền chỉ bảo cách vay tiền, làm ăn, nuôi trâu bò, tôi vững lòng đi mua 1 con trâu cái sắp đến thời kỳ sinh sản và 1 con nghé về nuôi. Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc nên trâu lớn nhanh chẳng dịch bệnh gì cả. Cuối năm 2013, vợ chồng tôi bán 2 con trâu lớn được hơn 40 triệu đồng, cả nhà rất phấn khởi. Hiện giờ, gia đình tôi vẫn còn 2 con trâu, 1 con nghé nữa, đến cuối năm nay thì xuất chuồng bán, chắc chắn trừ các chi phí, tôi sẽ thu lãi trên 30 triệu đồng”.
Trở về trên con đường cheo leo vách đá, hai bên san sát những thửa ruộng lúa nương vàng chín đang rộ mùa thu hoạch, những giàn su su xanh bạt ngàn ngút tầm mắt, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu Lê Xuân Hùng, chia sẻ: “Đồng vốn ưu đãi của Chính phủ được tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện hiệu quả không những đã trải dài dọc suốt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong tỉnh mà còn len lỏi tới tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cùng 20 dân tộc anh em, đang hàng ngày làm nên sự đổi thay trong bộ mặt phát triển kinh tế của tỉnh miền núi nơi cuối trời Tây Bắc này”.
Bài và ảnh Phạm Văn Đề - Thái Hòa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nâng mức cho vay, thêm cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Tín dụng ưu đãi đến với nông dân nghèo
- » Chuyện thoát nghèo ở vùng Bắc Tây Nguyên
- » Có thêm nguồn tín dụng cho nông hộ
- » Đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế
- » Vốn đến kịp thời, nông dân vượt khó
- » Cần “bàn đạp” để dứt hẳn đói nghèo
- » Hộ nghèo ở Chợ Đồn sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả thiết thực từ Chương trình tín dụng HSSV
- » Quảng Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a