Tín dụng ưu đãi đến với nông dân nghèo
Năm 2013, chị Hoàng Thị Lan ở xóm Giữa, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Lý Nhân mua lợn về nuôi. Mới đầu chỉ là 2 con lợn bố mẹ, đến nay đàn lợn nhà chị phát triển lên thành 50 con. Sau khi trừ chi phí, chị thu lãi khoảng 60 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình dần cải thiện. Cũng như gia đình chị Lan, nhiều năm trước, gia đình ông Đỗ Văn Thích ở xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân từng phải sống trong cảnh chạy ăn từng bữa. Được vay vốn của NHCSXH, gia đình ông đã mạnh dạn xây chuồng trại nuôi lợn kết hợp đào ao thả cá. Ông Thích cho biết, từ nay đến hết năm 2014, gia đình ông sẽ trả hết nợ ngân hàng.
Bà Lê Thị Kim Dung - Giám đốc NHCSXH huyện Lý Nhân, cho biết, Lý Nhân là huyện có mật độ dân số đông, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, không chỉ của tỉnh Hà Nam mà của cả khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy trên địa bàn huyện cũng có một số Ngân hàng thương mại hoạt động, nhưng bà con lại không có đủ điều kiện tiếp cận. Do đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, từng bước thoát nghèo.
Hàng năm, NHCSXH huyện Lý Nhân chủ động tìm hiểu nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, bám sát cơ sở, đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp cho họ vươn lên làm chủ cuộc sống. Cùng với đó, các cán bộ NHCSXH huyện rất coi trọng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác ủy thác vốn vay ưu đãi, cũng như tăng cường củng cố hoạt động ở 433 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, tạo thành một mạng lưới đưa các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH về tới làng, xóm, đến tận nhà dân.
NHCSXH huyện cũng sẽ xem xét tăng thêm vốn cho những hộ làm kinh tế có hiệu quả có nhu cầu về vốn; hỗ trợ vốn thêm cho các hộ đã được công nhận thoát nghèo, giúp họ không tái nghèo. Đồng thời tiếp tục tập huấn nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên phạm vi toàn huyện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay đối với từng hộ gia đình. Tính đến hết tháng 10/2014, dư nợ cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Lý Nhân đạt trên 125 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1%/tổng dư nợ.
Theo NHCSXH tỉnh Hà Nam, đến hết tháng 10/2014, tổng dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo ở tỉnh là gần 483 tỷ đồng với 24.865 hộ vay vốn. Trong những năm qua, hoạt động cho vay hộ nghèo đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Với quy định mới về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng, sẽ có thêm nhiều hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay và thoát nghèo bền vững. Song, để đồng vốn phát huy hiệu quả tối đa, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành địa phương trong việc định hướng cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với từng vùng, từng hộ gia đình.
Bà Lê Thị Kim Dung cho biết thêm, cùng với NHCSXH tỉnh, NHCSXH huyện Lý Nhân tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay, bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của từng trường hợp khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm giữ vững chất lượng tín dụng. Đây là nền tảng quan trọng tiếp sức cho hộ nghèo có thêm vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Nhật Anh - Ngọc Tú
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chuyện thoát nghèo ở vùng Bắc Tây Nguyên
- » Có thêm nguồn tín dụng cho nông hộ
- » Đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế
- » Vốn đến kịp thời, nông dân vượt khó
- » Cần “bàn đạp” để dứt hẳn đói nghèo
- » Hộ nghèo ở Chợ Đồn sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả thiết thực từ Chương trình tín dụng HSSV
- » Quảng Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a
- » Chắt chiu đồng vốn chính sách
- » Cần thêm cú hích cho hộ mới thoát nghèo