Hàng nghìn sinh viên vùng quê thuần nông được tiếp sức đến trường

14/06/2014
(VBSP News) Tính đến hết tháng 5/2014, dư nợ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên tại tỉnh Hà Nam đạt hơn 405 tỷ đồng với 22.141 khách hàng còn dư nợ. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các làng quê đồng bằng Bắc bộ này đã thực hiện ước mơ đến trường.
Bà con nhân dân xã Đức Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đến Điểm giao dịch của NHCSXH nhận vốn vay

Bà con nhân dân xã Đức Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) đến Điểm giao dịch của NHCSXH nhận vốn vay

Cách trung tâm tỉnh không xa, huyện Lý Nhân có 23 xã, thị trấn, dân số trên 176 nghìn người, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tới 20,67% (hộ nghèo 12,53%, hộ cận nghèo 8,14%) vào thời điểm năm 2012, nhưng hằng năm, huyện Lý Nhân có từ 1.400 - 1.600 thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề. Trước đây khi chưa có Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, nhiều em thi trúng tuyển đại học, cao đẳng… nhưng vì gia đình nghèo khó, gặp khó khăn về kinh tế đã không thể tiếp tục đi học buộc phải ở nhà làm lao động phổ thông. Một số gia đình đành phải vay mượn bên ngoài, chấp nhận lãi suất cao để có tiền lo cho con theo học đại học, cao đẳng, làm cho cuộc sống vốn khó khăn lại thêm vất vả, gian truân.

Chính vì vậy, chính sách tín dụng mới của Nhà nước dành riêng cho học sinh, sinh viên như chiếc “phao cứu sinh” giúp cho các hộ nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nguồn tài chính chăm lo con em họ tiếp tục đến trường, theo đuổi ước mơ lập thân, lập nghiệp. Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lý Nhân cho biết: “Hơn 6 năm thực hiện Quyết định 157 có thể khẳng định đây là chủ trương, chính sách lớn phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Việc NHCSXH tích cực triển khai Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên trong thời gian qua đã góp phần làm giảm áp lực và nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh khi không đủ điều kiện về tài chính lo cho các con ăn học.

Chị Kiều Thị Hoàn - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên bộc bạch: “Có thể nói, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên của Thủ tướng Chính phủ đã chắp cánh cho con em nông dân vùng quê thuần nông chúng tôi bay tới tương lai, cụ thể là số lượng học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm tăng lên rõ rệt; tất cả các học sinh nghèo đều được tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách. Hiện nay, dư nợ của Chương trình trên địa bàn Hòa Mạc đạt gần 5 tỷ đồng. Đặc biệt, 100% khoản nợ của chương trình này đã được trả đúng hạn, không có nợ quá hạn phát sinh”.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Mậu ở xóm Đình xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm. Rót đầy bát nước chè xanh mời khách, ông Mậu xúc động nói: “Liên tiếp trong 5 năm từ 2006 - 2012, nhà tôi có 3 cháu lần lượt đỗ đại học. Gia đình làm nghề nông, chỉ trông vào mấy sào cấy lúa nên mỗi lần các cháu từ Hà Nội về xin tiền ăn học là vợ chồng tôi phải vay mượn khắp nơi. Để có thêm thu nhập, vợ chồng tôi phải làm thuê đủ nghề nhưng vẫn không đủ để chu cấp cho các con. Trong lúc khó khăn nhất, cuối năm 2009 gia đình được bình xét vay vốn ưu đãi của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Năm ngoái, 2 cháu đầu đã tốt nghiệp, ra trường có việc làm ngay và giúp bố mẹ trả nợ cho ngân hàng được 45 triệu đồng, nay chỉ còn hơn 20 triệu đồng thôi, dự kiến cuối năm nay bán đàn lợn giống, gia đình tôi phấn đấu trả xong nợ vay trước kỳ hạn.

Cùng chung hoàn cảnh như gia đình ông Trần Văn Thường ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục thuộc diện hộ nghèo. Bản thân ông Thường lại là bệnh binh, sức khoẻ không ổn định nên việc lo kiếm tiền cho cả 3 người con ăn học như một bài toán khó có lời giải. Trong lúc khó khăn, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình và các con ông tiếp tục được thực hiện ước mơ của mình. Ông Thường tâm sự: “Số tiền gia đình vay của NHCSXH huyện Bình Lục đã lên tới 52 triệu đồng. 4 năm trước, 2 người con học giỏi ra trường, có việc làm ổn định nên cùng với tôi trả được 24 triệu đồng. Thật lòng mà nói, nếu không có nguồn vốn này thì gia đình không biết lấy đâu ra khoản tiền lớn để đóng học phí, chứ chưa nói đến thuê nhà trọ, sinh hoạt cho các cháu 4, 5 năm học đại học trên thành phố”.

Rõ ràng, Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội ở tỉnh Hà Nam, một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Bài và ảnh Hồ Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác