Lạng Giang tăng cường năng lực quản trị tín dụng chính sách

11/06/2014
(VBSP News) Thời gian qua, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát thực hiện các Chương trình tín dụng ưu đãi, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tồn tại, sai sót. Các cuộc họp của Ban đại diện được tổ chức tập trung bàn thảo nội dung nâng cao chất lượng tín dụng; cách thức phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể cơ sở với NHCSXH.
Từ công tác quản trị tốt nguồn vốn chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Lạng Giang được tiếp cận nhanh nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh

Từ công tác quản trị tốt nguồn vốn chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Lạng Giang được tiếp cận nhanh nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh

Ông Ngô Minh Đoàn - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lạng Giang, cho biết: Do cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã đều xác định thực hiện công tác tín dụng chính sách trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng nên đã trực tiếp chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình đầu tư nguồn vốn đến thu hồi nợ. Cùng với đó, giữa NHCSXH với 4 hội, đoàn thể nhận uỷ thác, có sự phối hợp chặt chẽ về thẩm định đối tượng vay vốn ưu đãi chính xác cũng như tích cực thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện các Chương trình tín dụng ưu đãi còn được tăng cường, kể từ tháng 3/2013, 100% Chủ tịch UBND cấp xã của huyện Lạng Giang tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các quy định về phân bổ quản lý, bình xét cho vay vốn ưu đãi, đồng thời giúp cho ngân hàng hoạt động thuận lợi hơn.

Cũng theo ông Ngô Minh Đoàn, việc tiếp nhận, triển khai chủ trương của Nhà nước về tín dụng chính sách hiện tại rất kịp thời, sâu sát với thực tiễn ở cơ sở. Hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi cũng được nâng lên rõ rệt. Đơn cử như Hội Nông dân xã Tiên Lục là một trong những đơn vị nhận uỷ thác vốn vay, đã chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các chi hội trực thuộc thẩm định kỹ, chính xác điều kiện các hộ có nhu cầu vay, giám sát việc giải ngân, sử dụng vốn, thu nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn, không để xảy ra tình trạng xâm tiêu, vay ké, nợ xấu, lãi tồn đọng. Đến nay, Hội Nông dân xã nhận ủy thác với dư nợ đạt hơn 5,1 tỷ đồng cho 340 hộ vay vốn, và 100% hội viên nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Năm 2013, đã có 11 hội viên thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi này.

Anh Nguyễn Đình Thiện ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục, tâm sự: “Khi vay 20 triệu đồng hộ nghèo, tôi được cán bộ ngân hàng, các hội, đoàn thể hướng dẫn làm thủ tục nhanh gọn. Sau đó còn được phổ biến, tập huấn KHKT trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình”.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Bảy ở thôn Hoành Sơn, xã Phi Mô vốn là hộ nghèo đến năm 2012 thì thoát nghèo, trở thành hộ cận nghèo. Tuy nhiên, khi trở thành đối tượng cận nghèo, bà Bảy vẫn thiếu vốn sản xuất nhưng không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vì thời gian ấy không phải là đối tượng thụ hưởng. Trong lúc “khát vốn”, may sao giữa năm trước gia đình bà được Nhà nước bình xét cho vay 25 triệu đồng từ Chương trình hộ cận nghèo. Bà Bảy cho biết: “Trước đây, vì thiếu vốn tôi đành để cả cái ao rộng hàng nghìn mét vuông trước cửa nhà cỏ mọc um tùm. Từ lúc được vay vốn chính sách, vợ chồng tôi đã phát quang cỏ dại, khơi thông nguồn nước trong ao và mua cá giống tốt để nuôi thả. Không những thế, gia đình còn chủ động mua nguyên vật liệu xây chuồng trại chắc chắn nuôi 10 con nhím. Cuối năm vừa rồi, ao cá, chuồng nhím cho thu nhập khá, gia đình có thêm tiền trang trải. Gia đình thực sự cảm ơn các cấp, các ngành đã tạo mọi điều kiện giúp cho hộ cận nghèo như chúng tôi có vốn kịp thời để phát triển kinh tế, thêm cơ hội đổi đời”.

Chị Đoàn Thị Hoa - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô, chia sẻ: “Tổ có 47 tổ viên, vay hơn 800 triệu đồng. Hiện, không phát sinh nợ quá hạn. Để đảm bảo dân chủ trong vay vốn ưu đãi, chúng tôi bình xét công khai thông qua cuộc họp ở tổ, đồng thời xem xét những điều kiện, khả năng sử dụng vốn, trả nợ của từng tổ viên. Sau khi giải ngân, tổ trực tiếp giám sát, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay, đôn đốc nộp lãi, trả nợ gốc đầy đủ, đúng kỳ hạn. Đồng vốn chính sách ở quê tôi đã và đang nâng cao hiệu quả không ngừng”.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác