Làm giàu từ vốn chính sách

05/06/2014
(VBSP News) Nghĩa Đàn là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, thực hiện. Một trong những giải pháp đang phát huy hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đó là quản lý tốt nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều mô hình kinh tế nổi lên, không những thoát được nghèo mà các hộ nghèo còn có cơ hội vươn lên làm giàu.
Tín dụng chính sách giúp nhiều hộ nghèo ở Nghệ An có cơ hội “đổi đời” Ảnh: Thái Hòa

Tín dụng chính sách giúp nhiều hộ nghèo ở Nghệ An có cơ hội “đổi đời”
                                                                                                                                                       Ảnh: Thái Hòa

Theo chân Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thịnh, một xã, mà những năm trước đây nằm ở top cuối của huyện Nghĩa Đàn về tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều làm chúng tôi ngạc nhiên, là Nghĩa Thịnh của hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt, những dãy nhà lợp ngói kiên cố đã thay dần hình ảnh mái nứa, tranh tre dột nát. Có được sự thay đổi đó là nhờ Nghĩa Thịnh tích cực thực hiện các chính sách giảm nghèo, đặc biệt là giải pháp quản lý tốt nguồn vốn vay cho hộ nghèo phát triển kinh tế.

Là một hộ nằm trong đối tượng nghèo năm 2008, gia đình chị Lê Thị Hồng ở xóm 2, xã Nghĩa Thịnh trước đây hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng từ khi được vay 20 triệu đồng, gia đình chị đã có cơ hội đổi đời. Với nguồn vốn vay này, gia đình đã mua trâu, sinh sản 3 con nghé, sau đó bán nghé đầu tư đào ao thả cả, với 3 sào mặt nước nuôi các giống cá như rô, mè, trắm, thu nhập một năm hơn 60 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, gia đình tận dụng không gian rộng rãi để chăn nuôi gà thả vườn, một năm nuôi gần 200 con, lấy trứng, bán gà thịt và gà giống, thu nhập từ gà cũng trên 20 triệu đồng. Với việc sử dụng hiệu quả vốn vay, gia đình chị Lê Thị Hồng, sau 2 năm đã trả được nợ và thoát nghèo. Gia đình hiện nay còn mở rộng trồng thêm mía và keo, phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp, với tổng thu nhập gần 150 triệu đồng.

Chị Lê Thị Hồng ở xóm 2, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn phấn khởi, chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi không ngờ lại xây được nhà kiên cố, sắm được đầy đủ vật dụng sinh hoạt, phương tiện đi lại, còn có bát ăn bát để. Năm 2008, gia đình tôi vẫn còn là hộ nghèo, nhưng từ khi có vốn vay chính sách của NHCSXH do Hội Phụ nữ xã nhận uỷ thác, gia đình đã được tập huấn kỹ thuật về nuôi gà sinh học, phát triển vườn rừng, Hội còn cho đi tham quan các mô hình khác để học tập, từ đó gia đình tôi đã về áp dụng, làm theo, bằng mọi cách sử dụng thật hiệu quả nguồn vốn vay để nhanh chóng thoát nghèo”.

Hiện nay ở xã Nghĩa Thịnh, Hội Phụ nữ đã đứng ra nhận ủy thác 2,53 tỷ đồng cho 160 hội viên nghèo vay vốn, do kịp thời tư vấn sử dụng hiệu quả vốn vay vào phát triển các mô hình kinh tế, nên hằng năm có 30% hội viên thoát được nghèo. Chị Trương Thị Giang - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thịnh, chia sẻ: “Thời gian tới chúng tôi tiếp tục rà soát và kiểm tra các hộ nghèo để đưa ngồn vốn về đúng đối tượng, phối hợp với các ngành liên quan, mở các lớp chuyển giao KHKT cho hội viên, đồng thời nhân rộng những mô hình phát huy hiệu quả để chị em hội viên học tập”.

Có thể nói, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt là giám sát, tư vấn cho hội viên sử dụng vốn vay có hiệu quả đang là cách làm hay của Hội Phụ nữ xã Nghĩa Thịnh, góp phần quản lý nguồn vốn đúng mục đích, giúp hội viên tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Hiện nay, không chỉ Hội Phụ nữ các xã, mà các hội, đoàn thể khác ở huyện Nghĩa Đàn đã thực sự vào cuộc, chung tay thực hiện các chính sách phát triển kinh tế cho hội viên, đặc biệt là thông qua nguồn vốn vay, điển hình như Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng đang quản lý gần 4 tỷ đồng cho 182 hội viên nghèo vay vốn, với sự đồng hành kịp thời cùng các hội viên, nên nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình cho thu nhập có hiệu quả, toàn xã có khoảng 100 mô hình  kinh tế hộ cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Nhìn cơ ngơi khang trang với gian nhà rộng 3 gian của gia đình anh Nguyễn Thế Quang, chị Phạm thị Hoa ở xóm 13, xã Nghĩa Hưng, không ai nghĩ năm 2010 gia đình vẫn còn là hộ nghèo. Qua nhiều lần tham gia sinh hoạt Hội Nông dân, học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, được Hội vận động phát triển kinh tế hộ dựa vào lợi thế của địa phương, gia đình anh Nguyễn Thế Quang đã mạnh dạn vay vốn của NHCSXH huyện 25 triệu đồng. Nhận thấy địa hình đồi núi rất thuận lợi để gia đình nuôi dê, anh đã mua 9 con dê, nhờ chịu khó học hỏi, siêng năng, từ đàn dê, sau 3 năm gia đình đã nhân rộng được lên 40 con, trung bình 1 năm cho thu nhập từ dê hơn 70 triệu đồng. Khi đã có đồng vốn trong tay, anh Quang cùng vợ khai hoang vỡ đất, trồng thêm 1.000 gốc chanh, 2ha mía, bầu, ổi, tổng thu nhập từ cây ăn quả và mía hơn 150 triệu đồng. Anh Nguyễn Thế Quang, cho biết: “Thời gian tới tôi tiếp tục mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng trang trại, đầu tư nuôi chim bồ câu và gà thả vườn để tăng thu nhập, Hội Nông dân cũng hứa tạo mọi điều kiện để gia đình phát huy được vốn vay, không những tăng thu nhập, mà còn có thể làm giàu”.

Theo bà Hồ Thị Nhung - Giám đốc NHCSXH huyện Nghĩa Đàn: “Hiện ngân hàng đang tạo điều kiện cho 4.750 hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế, thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 95 tỷ, bình quân mỗi hộ nghèo được vay 20 triệu đồng, ngoài ra chúng tôi còn có các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số vay không tính lãi với 240 hộ được vay, tổng dư nợ gần 1,2 tỷ đồng. NHCSXH huyện đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, thông qua kệnh uỷ thác của các hội, đoàn thể để cho hộ nghèo vay vốn, từ đó có các giải pháp quản lý nguồn vốn, sao cho  nguồn vốn này có thể giúp các hộ thoát nghèo và làm giàu. Hiện, trung bình mỗi năm, huyện Nghĩa đàn có từ 500 - 700 hộ sau khi sử dụng vốn vay đã thoát nghèo, đây là cách hiệu quả nhất để cho các hộ nghèo có chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế”.

Như Trang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác