Thoát hẳn cái nghèo nhờ cách làm hay ở Bình Dương

03/06/2014
(VBSP News) Đến nay, chuẩn nghèo của tỉnh Bình Dương cao hơn chuẩn nghèo quốc gia rất nhiều và tỉnh đang tăng dần chuẩn nghèo để có chính sách giảm nghèo bền vững. Một trong những biện pháp được Bình Dương áp dụng hiệu quả chính là kéo dài thời gian cho hộ nghèo vay vốn.

Nhờ đồng vốn chính sách mà gia đình bà Đỗ Thị Anh ngày càng vươn lên để thoát nghèo

Nhờ đồng vốn chính sách mà gia đình bà Đỗ Thị Anh ngày càng vươn lên để thoát nghèo

Từ năm 2005, chuẩn nghèo của tỉnh Bình Dương cũng đã cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và cứ thế qua thời gian, chuẩn này dần được nâng lên để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đến năm 2013, nếu tính theo chuẩn nghèo của tỉnh (1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 800 nghìn đồng ở khu vực nông thôn), thì toàn tỉnh còn chưa đầy 2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ chỉ 0,69%. Từ năm 2014, tỉnh Bình Dương tiếp tục nâng chuẩn nghèo lên mức 1 là 1,1 triệu/người/tháng, theo đó, toàn tỉnh cũng chỉ có 12 nghìn hộ nghèo, chiếm khoảng 2,5% tổng số hộ trên địa bàn.

Thoát vòng luẩn quẩn

Hộ bà Đỗ Thị Anh ở khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một từng nằm trong diện hộ nghèo triền miên. Năm 2008, gia đình bà được vay 10 triệu đồng để chăn nuôi heo nái nhưng do dịch lở mồm long móng nên lần đó gia đình bà “đại bại”. Không chịu khuất phục trước cái nghèo, gia đình bà tiếp tục vay vốn NHCSXH mua dê để nuôi, nhưng lại không may mắn vì giá rớt thê thảm…

Tưởng chừng như cái nghèo, cái đói sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời nhưng năm 2010, gia đình bà quyết định vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để mua một cặp bò. Sau 1 năm chăm sóc, cặp bò này bán được 70 triệu đồng, trừ chi phi cám, gia đình bà cũng còn dư được hơn 20 triệu đồng. Vậy là cứ lấy ngắn nuôi dài, gia đình bà vừa hoàn trả một phần tiền vay cho ngân hàng, một phần tái đầu tư mua bò.

Năm 2013, gia đình bà chính thức thoát nghèo, chuyển qua hộ cận nghèo và được gia hạn vay vốn chính sách thêm 2 năm. Đến nay gia đình bà có 3 cặp bò. “Nếu không có gì thay đổi thì khoảng 1 năm sau một cặp bò cho gia anh thu nhập lời khoảng 28 đến 30 triệu đồng. Nông dân mình mà đều đều thu nhập như vậy cũng là quá mừng rồi. Còn nhớ mấy năm trước hai vợ chồng tôi cùng mấy đứa con cứ trằn sức ra làm, nhưng cái nghèo, cái đói cứ bám lấy gia đình hoài. Nhờ đồng vốn chính sách mà kinh tế gia đình chúng tôi dần được vực dậy, thoát khỏi vòng luẩn quẩn…”, bà Đỗ Thị Anh vui mừng chia sẻ.

“Bước đệm” 2 năm cho thoát nghèo bền vững

Tiếp tục cho các hộ nghèo vay vốn thêm 2 năm là cách làm hay của Bình Dương nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững. Lý do quan trọng để Bình Dương tạo thêm “bước đệm” này cho hộ nghèo là vì thông thường những hộ nghèo sau một thời gian vay vốn, làm ăn phát triển kinh tế đã từng bước vươn lên, nhưng thực tế thu nhập của họ chưa cao và tính bền vững chưa thật sự chắc chắn. Nếu cùng một lúc họ trả hết tiền vay ưu đãi thì sẽ thiếu hụt vốn làm ăn, do đó nhiều hộ sẽ tái nghèo.

Nếu không có đồng vốn chính sách thì chắc gia đình anh Nguyễn Tân Khai đã bỏ nghề truyền thống của cha ông

Nếu không có đồng vốn chính sách thì chắc gia đình anh Nguyễn Tân Khai đã bỏ nghề truyền thống của cha ông

Hộ anh Nguyễn Tân Khai, sinh năm 1971 ở khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một là một trong những điển hình về sự đi lên nhờ đồng vốn chính sách. Gia đình anh Khai vốn có nghề truyền thống làm tranh sơn mài, nhưng thời gian qua nghề này ngày càng mai một, nhiều hộ đã bỏ nghề. Dù rất khó khăn, nhưng say mê nghề từ nhỏ nên anh Khai quyết theo đuổi đến cùng để duy trì nghề cha ông để lại. Được NHCSXH cho vay 18 triệu đồng, anh có thêm vốn mua nguyên liệu như gỗ, sơn, giấy mài… để việc làm ổn định. Không chỉ thế, anh còn tạo được việc làm cho 2 lao động trong vùng. “Mấy năm nay người ta bỏ nghề nhiều lắm. Tôi cũng định bỏ nghề để đi làm công nhân, vì không có vốn, không có đầu ra… Tuy nhiên khi được tiếp cận nguồn vốn chính sách, tôi đã suy nghĩ lại. Nghề này tuy cực không có lãi nhiều, nhưng mình cần cù, lấy công làm lãi thì mỗi tháng cũng kiếm được dăm ba triệu. Điều quan trọng là mình giữ được cái nghề của cha ông…”, anh Khai cho biết.

Đến nay, dư nợ cho vay đối với đối tượng hộ nghèo và cận  nghèo ở tỉnh Bình Dương là trên 300 tỷ đồng, với trên 22 nghìn hộ vay. “Các hộ đã không ngừng vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vừng, nâng cao đời sống gia đình. Việc sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách đã thực sự góp phần vào mục tiêu giảm nghèo và sự phát triển chung của tỉnh”, ông Võ Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bình Dương nói về ý nghĩa của đồng vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn.

Bài và ảnh Hoàng Quý - Phúc Thắng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác