Trao “đòn bẩy” cho hộ nghèo
Có tiền gửi tiết kiệm
Vợ chồng Y Kaly Jin K’bua ở buôn Kbu, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột có 2 mặt con rồi mà vẫn sống trong căn nhà dựng tạm rộng chừng 15m2. Ruộng rẫy không có, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn kiếm cái ăn từng ngày.
Vợ chồng Y Kaly được cả buôn nhất trí bầu cho vay đợt đầu tiên chương trình cho vay vốn hộ nghèo cùa NHCSXH, với số tiền 25 triệu đồng. Cầm tiền trên tay, được cán bộ Hội Nông dân xã tư vấn, Y Kaly mua ngay một con bò cái sinh sản hết 19 triệu đồng, số tiền còn lại mua vật liệu làm chuồng trại. Từ ngày có bò, vợ chồng Y Kaly ngoài thời gian đi làm thuê thay phiên nhau ra đồng cắt cỏ cho bò ăn. Sau 1 năm, bò nhà Y Kaly sinh một con bê cái. Vợ chồng Y Kaly còn được ông bà ngoại tặng thêm 1 con bò cái nữa để làm vốn. Y Kaly khoe: “Gia đình mới gửi 1,5 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm nhờ bán phân bò”.
Cũng thuộc diện hộ nghèo nhất nhì xã Hòa Khánh, hộ ông Mai Văn Mười ở thôn 3 được cho vay 25 triệu đồng. Vợ chồng ông vay thêm họ hàng 2 triệu đồng nữa mua một cặp bò mẹ con về nuôi. Sau gần 1 năm, bò mẹ có chửa. Từ ngày nuôi bò, nguồn phân dồi dào, vợ chồng ông phát gần 200m² đất vườn sau nhà trồng cỏ voi để chủ động thức ăn cho bò và trồng rau, quả. Rau ăn không hết, ông bà đem bán. “Có cặp bò làm tài sản, vợ chồng tôi giờ làm ăn cũng thấy an tâm”, ông Mười bộc bạch.
Giám sát chặt chẽ vốn vay
Ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng phòng Kế hoạch và nghiệp vụ NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, riêng trong năm 2013, xã Hòa Khánh đã thành lập được 28 Tổ tiết kiệm và vay vốn, mỗi tổ 30 - 50 thành viên, tổng số vốn vay 14 tỷ đồng. Năm 2013, toàn xã có 246 hộ nghèo, thì hết quý I/2014, chỉ còn 193 hộ. Kết quả này, theo ông Huệ, là nhờ thực hiện cho vay ủy thác thông qua các hội, đoàn thể. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban quản lý Tổ do các hộ vay bầu chọn ra. Các Tổ phối hợp với UBND và các hội, đoàn thể cấp xã, Trưởng các thôn, buôn bình xét đối tượng vay công khai. Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cho vay, từ đó góp phần củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi tại cơ sở…
Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết: Việc cho vay vốn ưu đãi hiện nay chủ yếu thực hiện tại địa bàn các xã, phường, thị trấn thông qua 184 Điểm giao dịch cố định. Năm 2013, doanh số cho vay hộ nghèo đạt 220 tỷ đồng với 16.395 hộ vay.
Bài và ảnh Hà Lê
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Tiếp sức cho hộ nghèo
- » Hiệu quả nguồn vốn vay cho vay giải quyết việc làm ở Điện Biên
- » Thêm vốn ưu đãi, thôn bản vùng cao khởi sắc hơn
- » Hiệu quả từ Chương trình cho vay NS&VSMTNT ở Tân Lạc
- » Vai trò của các hội, đoàn thể trong việc đưa vốn đến hộ vay
- » Hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững
- » Những tấm gương thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi
- » Thành phố Hà Nội giúp người dân thoát nghèo bền vững
- » Hà Tĩnh tích cực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi