Thành phố Hà Nội giúp người dân thoát nghèo bền vững

23/05/2014
(VBSP News) Thành phố Hà Nội hiện vẫn còn nhiều hộ khó khăn, đặc biệt là nông dân ở các huyện bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Việc chuyển đổi nghề nghiệp với họ không đơn giản bởi thiếu vốn, thiếu kiến thức. Chính vì vậy, nguồn vồn ưu đãi của NHCSXH có ý nghĩa quan trọng, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.
Thông qua Hội Nông dân, vợ chồng Nguyễn Thành Ninh được vay vốn chính sách mua bò về nuôi

Thông qua Hội Nông dân, vợ chồng Nguyễn Thành Ninh được vay vốn chính sách mua bò về nuôi

Ghi chép trên đường đi

Đồng hành cùng chuyến khảo sát, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi ở xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, ông Đặng Đức Hạnh - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Sơn Tây, chia sẻ: “Chỉ với vài chục triệu đồng tiền vốn vay, cộng với sự chăm chỉ làm ăn, nhiều hộ nghèo đã có của ăn, của để. Khoản tiền nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn”.

Nói rồi ông đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Thành Ninh ở thôn Kỳ Sơn. Anh Ninh mắc căn bệnh u xương hiểm nghèo, mọi gánh nặng gia đình đặt lên vai người vợ trẻ. Tháng nào cũng như tháng nào, hai vợ chồng lại đưa nhau xuống Hà Nội lấy thuốc. Không có việc làm ổn định, lại thêm tiền thuốc men nên cho đến nay vợ chồng anh vẫn không thể có một ngôi nhả để ở, phải nương tựa vào cha mẹ.

Những tưởng cuộc sống sẽ bị dồn đến bước đường cùng thì năm 2010, vợ chồng anh Ninh được tiếp cận đồng vốn của NHCSXH. “Trong lúc khó khăn, rất may mắn là tôi được giới thiệu vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. Cầm trên tay 25 triệu đồng, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt, vay thêm của người thân, tôi mua 2 con bê để chăm sóc, đỡ gánh nặng cho gia đình”.

Gia đình chị Lê Thị Hồng Xuyến cũng ở thôn Kỳ Sơn, vừa đón nhận niềm vui khi con lợn nái được mua từ vốn vay chính sách đã sinh con. “Từ 25 triệu đồng vốn vay, tôi quyết định nuôi lợn nái. Với đàn lợn 12 con vừa sinh, khoảng nửa năm nữa tôi sẽ thu về 50 - 60 triệu đồng, lại có vốn để tái đầu tư sản xuất và trả nợ”.

Bà Hoàng Thị Ngãi ở thôn Bưởi, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì phấn khởi cho biết: “Được vay 22 triệu đồng theo diện hộ nghèo, tôi mua 1 con trâu, nay nó sinh thêm 1 con nữa. Nguồn vốn này đã giúp gia đình có việc làm, tăng thu nhập. Hơn nữa, thủ tục vay khá đơn giản, phân kỳ trả nợ dần với lãi suất ưu đãi nên rất hấp dẫn với nông dân nghèo chúng tôi”.

Tuy nhiên, trong điều kiện lãi suất tại các Ngân hàng thương mại đang giảm, nhiều hộ vay cũng mong muốn lãi suất của NHCSXH sẽ được điều chỉnh giảm thêm để hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn. “Đã là vốn vay ưu đãi thì nên điều chỉnh giảm lãi suất thấp hơn so với Ngân hàng thương mại mới hợp lý”, ông Lê Mạnh Lợi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Sơn, đề xuất.

Giúp người nghèo có ý thức vươn lên

Để giúp người nghèo có ý thức tự vươn lên, TP. Hà Nội đặt kế hoạch tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề… Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, động viên hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù vẫn đang được thành phố duy trì, từ việc áp dụng chuẩn nghèo, cận nghèo cao hơn mức Trung ương, hộ nghèo, cận được vay vốn với lãi suất 0,3 - 0,4% đến một số mức trợ cấp, hỗ trợ cao hơn như trợ cấp xã hội, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; trợ cấp hằng tháng cho người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo; miễn giảm kinh phí cai nghiện cho thành viên hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ một phần kinh phí cho trẻ em nghèo, cận nghèo.

Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo đã được thành phố đưa ra để hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập. Năm 2013, đã có 72.900 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tại NHCSXH với số tiền 983 tỷ đống; 23.500 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên với số tiền 118 tỷ đồng; các hộ nghèo, cận nghèo cũng được vay vốn từ các nguồn khác do Hội Phụ nữ, Hội Nông dân quản lý.

Trong năm 2013, thành phố đã giải quyết việc làm cho 136.500 lao động, các hộ nghèo cũng được tạo điều kiện tham gia học các nghề về tin học, nấu ăn, dệt may, sửa chữa xe, mộc, khảm, mây tre đan, các lớp khuyến nông… Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó có các hộ nghèo. Hà Nội hiện có 50 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Mục tiêu Hà Nội đặt ra trong năm 2014 là phấn đấu giảm 0,5 - 0,8% số hộ nghèo; ở các xã vùng dân tộc, miền núi giảm từ 1,5 - 1,8%.

Bên cạnh đó, thành phố còn gần 8.000 hộ nghèo có người già yếu, ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo đang hưởng trợ cấp, 16.000 hộ nghèo có thành viên thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ. Hai nhóm đối tượng khó có khả năng thoát nghèo này chiếm gần 50% số hộ nghèo của thành phố nên cần có thời gian, lộ trình lâu dài để hỗ trợ họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Theo Báo KTNT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác