Để vốn vay ưu đãi thực sự giúp người nghèo “thoát nghèo”

21/05/2014
(VBSP News) Ngày 26/4/2014, HĐQT NHCSXH đã ban hành Quyết định số 34 về việc nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kể từ ngày 01/5, hộ nghèo (có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định của NHCSXH) sẽ được vay tối đa 50 triệu đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây thực sự là tin vui, bởi việc nâng mức cho vay sẽ đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo trong phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Đi đôi với hỗ trợ vốn vay thì việc định hướng việc làm và dạy nghề đối với các đối tượng hộ nghèo là vô cùng cần thiết

Đi đôi với hỗ trợ vốn vay thì việc định hướng việc làm và dạy nghề đối với các đối tượng hộ nghèo
là vô cùng cần thiết

Theo ông Hồng Hoài Hận - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Cà Mau: Hiện nay, việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước được NHCSXH thực hiện theo hướng xã hội hóa. Vì vậy công tác quản lý cũng phải thực hiện theo hướng này. Với mô hình tổ chức và phương thức hoạt động đặc thù, NHCSXH đã huy động được nhiều cán bộ tâm huyết với người nghèo từ các cơ quan, chính quyền, hội, đoàn thể tham gia quản trị và nhận ủy thác vốn cho ngân hàng. Việc tổ chức giao dịch công khai tại các cấp xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH, cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Về thủ tục cho vay, hộ nghèo và hộ cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn vẫn áp dụng theo quy định hiện hành, đảm bảo đơn giản. Sau khi xác định phương án đầu tư làm ăn và xác định rõ nhu cầu vốn xin vay, hộ vay chỉ cần viết giấy đề nghị vay vốn, kèm theo phương án sử dụng vốn vay gửi các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, sau đó thực hiện họp tổ bình xét vay vốn. Kế tiếp gửi UBND xã xét duyệt đề nghị cho vay. NHCSXH sẽ căn cứ vào đề nghị của UBND xã để xem xét, kiểm tra, nếu hợp lệ, hợp pháp thì sẽ phê duyệt cho vay và tổ chức giải ngân tại Điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch.

Đến thời điểm hiện nay, NHCSXH tỉnh Cà Mau đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, thông báo rộng rãi đến các xã, phường trong tỉnh về Quyết định mới này. Trong thời gian chờ cấp trên phân bổ thêm nguồn vốn, chi nhánh đã vận dụng nguồn vốn được phân bổ từ đầu năm là 25 tỷ đồng đối với hộ nghèo và 72 tỷ đồng đối với hộ cận nghèo để thực hiện theo quy định mới này. Tính đến hết tháng 4/2014, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đối với hộ nghèo là 558 tỷ đồng và 121 tỷ đồng đối với hộ cận nghèo. “Để thực hiện theo quy định mới, rõ ràng với nguồn vốn hiện có chi nhánh sẽ không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh”, ông Hồng Hoài Hận nhận định.

Tuy nhiên, đây không phải là nỗi lo hàng đầu, mà cái chính là liệu số vốn này có mang lại hiệu quả thật sự hay không, trong khi chưa tìm ra được một giải pháp mang tính tích cực cho công tác giảm nghèo. Vấn đề này luôn là tâm điểm bàn luận tại các hội nghị, diễn đàn về an sinh xã hội được tổ chức thời gian qua. Một trong những hạn chế đã được ông Phan Văn Lùng - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau, đưa ra là: theo quy định, NHCSXH giải ngân theo danh sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách do UBND cấp xã phê duyệt. Tuy nhiên, công tác điều tra, xác nhận đối tượng chính sách ở một số nơi còn chưa kịp thời, thường xuyên, dẫn đến khó khăn cho NHCSXH triển khai giải ngân. Thiếu cơ chế lồng ghép, phối hợp có hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn, giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các hội, đoàn thể… Điều này cũng làm ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách. Thêm vào đó, chất lượng tín dụng chính sách tại một số nơi còn chưa tốt. Tệ vay ké, chiếm dụng vốn, cho vay sai đối tượng thụ hưởng, phân phối vốn theo phương thức chia đều, xẻ mỏng… tuy không phổ biến nhưng cần phải có ngay các giải pháp ngăn chặn kịp thời. Công tác thu hồi nợ quá hạn, nhất là các khoản nợ chây ỳ còn nhiều lúng túng. Bản thân một bộ phận người dân cũng chưa hiểu rõ về ý nghĩa của các chính sách trợ giúp, hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thúc đẩy, tạo đà cho họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, dẫn đến tâm lý ỷ lại, muốn “được” là hộ nghèo để hưởng sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Thiết nghĩ, việc cho vay vốn đối với hộ nghèo là đúng đắn, tuy nhiên, để nguồn vốn vay này thật sự đạt hiệu quả thì chính quyền và các hội, đoàn thể ở cơ sở cần có định hướng và hướng dẫn cho hộ vay về phương án làm ăn trước khi vay. Bên cạnh đó cần theo dõi, giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn. Có như vậy mới giúp hộ vay hạn chế rủi ro và vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Song song với hỗ trợ vay vốn thì dạy nghề cho người nghèo là hướng đi tích cực để giúp thoát nghèo bền vững.

Theo Báo Đất Mũi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác