NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CHỦ TỊCH XÃ THAM GIA BAN ĐẠI DIỆN HĐQT NHCSXH CẤP HUYỆN (Bài 2: Người trong cuộc nói gì?)

16/05/2014
(VBSP News) Việc thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là thiết thực, cần tiếp tục được triển khai lâu dài trên địa bàn tỉnh và mở rộng quy mô trên phạm vi toàn quốc.
Cán bộ NHCSXH họp giao ban với chính quyền, các hội, đoàn thể xã Cao Thượng, huyện Ba Bể (Bắc Kạn)

Cán bộ NHCSXH họp giao ban với chính quyền, các hội, đoàn thể xã Cao Thượng, huyện Ba Bể (Bắc Kạn)

Nâng cao trách nhiệm của địa phương

Sau 1 năm thực hiện thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện ở 3 tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An, đa số Chủ tịch UBND xã đều cho rằng, do khối lượng công việc của người đứng đầu khối chính quyền là rất lớn, tuy nhiên để nguồn vốn ưu đãi được hiệu quả thì phải bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách.

Ông Đỗ Đình Sắc - Chủ tịch UBND xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng (Long An), cho biết: “Được tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH, tôi đã sát sao hơn trong việc theo dõi diễn biến hoạt động tín dụng ưu đãi tại địa phương”.

Chủ tịch UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thường xuyên báo cáo công tác ủy thác với ngân hàng, chỉ đạo các Trưởng ấp tham gia phối hợp với các Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, xác nhận cho vay công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng, kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn của người vay, đôn đốc trả nợ và xử lý nợ xấu, nợ chây ỳ và lãi tồn đọng.

Thực hiện thí điểm Chủ tịch xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH, hoạt động chính sách tín dụng xã Hưng Hà đã có những kết quả tích cực. Cụ thể, đến nay, dư nợ của xã đạt 18,65 tỷ đồng; nợ quá hạn 164 triệu đồng, giảm 116 triệu đồng, tỷ lệ giảm 41,42% so với tháng 3/2013; tỷ lệ thu lãi đến tháng 3/2014 đạt 99%, tăng so với cùng kỳ năm 2013 là 2%. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đi vào nề nếp và ngày càng được nâng cao.

“Từ những việc làm thiết thực trên, vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có cuộc sống ổn định và nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã từ 5,5% năm 2012 còn 3,5%”, ông Đỗ Đình Sắc chia sẻ.

Còn bà Mai Thị Khoa - Chủ tịch UBND xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, tuy mới thực hiện thí điểm song mô hình này đã khẳng định được vị trí, vai trò của người đứng đầu chính quyền cơ sở trong công tác quản lý các hoạt động tín dụng trên địa bàn xã.

“Tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện giúp tôi chủ động trong việc chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các nguồn vốn vay chính sách ưu đãi và chủ động phân bổ nguồn vốn, chỉ đạo quản lý chặt chẽ và kịp thời cũng như trong xử lý những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Đồng thời, tôi cũng kịp thời điều chỉnh phù hợp và có hiệu quả những hạn chế, tồn tại để hoàn thiện công tác quản lý, điều hành một cách khách quan, khoa học và dân chủ”, bà Mai Thị Khoa nhấn mạnh.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Theo ông Đỗ Đình Sắc, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện chủ trương Chủ tịch UBND cấp xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện trên diện rộng để mô hình này đi vào hoạt động hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, trong thời gian tới cần chú trọng việc gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với việc giải ngân tín dụng chính sách trên địa bàn; có chế độ khen thưởng kịp thời…

UBND tỉnh Bắc Giang khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện triển khai thí điểm

UBND tỉnh Bắc Giang khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện triển khai thí điểm

Ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, tại Bắc Giang, sau khi thí điểm Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH, các Chủ tịch xã chấp hành nghiêm chế độ họp định kỳ theo quy định, qua 4 kỳ họp và Hội nghị tổng kết (từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2014) đã có 1.125/1.150 lượt thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã tham dự.

Với sự tham gia tích cực như vậy của chính quyền địa phương, công tác kế hoạch tín dụng được điều hành linh hoạt, kịp thời, hoạt động cho vay, thu nợ đạt kết quả cao. Bắc Giang đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tín dụng với doanh số cho vay đạt 828 tỷ đồng, cao hơn 290 tỷ đồng so với giai đoạn cùng kỳ năm trước.

Vốn tín dụng được ưu tiên tập trung vào những xã nghèo, vùng nghèo, xã xây dựng Nông thôn mới với mức cho vay bình quân tăng đáng kể 21,5 triệu đồng/lượt hộ, cao hơn 2,5 triệu đồng; doanh số thu nợ 675 tỷ đồng, cao hơn 260 tỷ đồng so với giai đoạn cùng kỳ trước.

Tổng dư nợ đến ngày 31/3/2014 đạt 2.724 tỷ đồng, tăng 145 tỷ đồng (tương đương 5,6%), mức dư nợ bình quân đạt 21 triệu đồng/hộ, tăng 2 triệu đồng so với 31/3/2013.

“Chất lượng tín dụng đảm bảo, nợ quá hạn được kiểm soát ở mức thấp. Chúng tôi đã xử lý có hiệu quả các khoản nợ quá hạn, nợ tồn đọng lâu ngày, nợ chây ỳ, xử lý kịp thời các khoản nợ rủi ro. Hiện, nợ quá hạn chỉ là 9,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng dư nợ, giảm 3 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 0,14% so với thời điểm cùng kỳ năm trước”, ông Ngô Gia Quát chứng minh.

Từ thực tế thí điểm ở Bắc Giang, ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, khẳng định, chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là đúng đắn, phù hợp, có hiệu quả về mọi mặt trong hoạt động tín dụng chính sách nói riêng, cũng như thực hiện các giải pháp an sinh xã hội nói chung.

Đồng thời, chủ trương này góp phần tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý tín dụng chính sách từ Trung ương đến cơ sở, giúp địa phương thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã, xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc và hệ thống chính trị vững mạnh.

Có thể khẳng định, việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện là thiết thực, cần tiếp tục được triển khai lâu dài trên địa bàn tỉnh và mở rộng quy mô trên phạm vi toàn quốc.

Theo Thời báo ngân hàng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác