Làm giàu trên vùng đất bãi hoang hóa

13/05/2014
(VBSP News) Vào những ngày này nhìn thấy những hàng cây nhãn nở đầy hoa với từng bầy ong đang nhả mật trong các thùng gỗ dọc triền đê sông Hồng, ít ai nghĩ rằng nơi đây khoảng 10 năm trước còn là một bãi đất phù sa, hoang hóa thuộc địa bàn xã Hồng Nam, thành phố Trẻ của tỉnh Hưng Yên.
Gia đình ông Trịnh Văn Quỳnh ở thôn Lễ Châu vay vốn ưu đãi mở rộng diện tích trồng nhãn, nuôi ong lấy mật

Gia đình ông Trịnh Văn Quỳnh ở thôn Lễ Châu vay vốn ưu đãi mở rộng diện tích trồng nhãn, nuôi ong lấy mật

Nhận thấy vùng đất này có thể cho người dân cơ hội khai khác thoát nghèo, làm giàu, nếu có quyết tâm và biết cách đầu tư lao động, tiền vốn, nên ông Trịnh Văn Quỳnh, hội viên chi Hội Nông dân thôn Lễ Châu, xã Hồng Nam đã mạnh dạn đấu thầu từ năm 2003.

Hồi ấy, vẻn vẹn có 2 triệu đồng chỉ đủ mua 1 sào đất ruộng hoang, nhưng vợ chồng ông Quỳnh đã dựng lều bạt làm nhà ở, ngày ngày gánh đất phù sa đắp lên mặt ruộng, cải tạo thành vườn cao để trồng nhãn và đào một cái ao nhỏ ươm cá giống. Đất đã chẳng phụ công người, 3 năm sau, 50 cây nhãn giống Hương Chi đậu quả nặng trĩu cành cùng những mẻ cá giống khoẻ mạnh đã cho gia đình ông khoản thu nhập kha khá. Từ kết quả ban đầu, lại có Hội Nông dân xã bảo lãnh, và được NHCSXH giải quyết cho vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi của Chương trình quốc gia giải quyết việc làm, ông Quỳnh phấn chấn đấu thầu cả 1 khu đất hoang, tiếp tục cải tạo thành đất vườn để trồng nhãn, nuôi ong, thả cá… Vậy là trên diện tích 4000m2, ông Quỳnh đã sử dụng phân chia hợp lý toàn bộ tiền vốn, (bao gồm vốn vay NHCSXH và số tiền tích lũy từ thu hoạch hàng năm), công lao động để xây dựng, tổ chức sản xuất thành công một trang trại tổng hợp VAC (vườn, ao, chuồng). Đến nay, cơ ngơi của người nông dân này có khu vườn phủ kín 200 cây nhãn lồng, nhãn đường phèn, năm 2013 thu trên 10 tấn quả, bán được giá ngót nghét 250 triệu đồng; dãy ao thả cá rộng tới 3 mẫu, chia thành 2 khu: 1 khu chuyên nuôi cá trắm đen, trắm cỏ; 1 khu ươm cá giống được lấy từ sông Hồng vào mùa nước nổi. Riêng khu cá thịt đặc sản từ năm 2010 đến nay cho thu hoạch ổn định 6 tấn/năm, đạt giá trị gần 150 triệu đồng. Còn đối với ong nuôi lấy mật, ông Quỳnh nuôi đến cả 300 thùng, mỗi mùa hoa nhãn, hoa vải thu trên gần 5 tấn mật (bình quân một năm lấy mật ong 2 lần vào mùa hoa nhãn và hoa vải).

Ông Quỳnh còn nuôi thêm cá trắm đen, trắm cỏ cho thu nhập cao

Ông Quỳnh còn nuôi thêm cá trắm đen, trắm cỏ cho thu nhập cao

Ấy là chưa kể đến khoản thu nhập từ những cây cam đường canh, chuối tiêu hồng xanh tốt, phủ quanh trang trại. Tính tổng doanh thu năm ngoái của trang trại ông Quỳnh đạt ở mức kỷ lục 550 triệu đồng. Đây quả là con số mơ ước đối với người nông dân tỉnh Hưng Yên từ khi được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ lập trang trại trên vùng đất hoang hóa.

Không dừng lại ở đó, nhờ những mùa bội thu về trồng trọt, chăn nuôi, sau khi hoàn trả hết nợ vay ngân hàng, kinh tế gia đình ổn định, ông Quỳnh phấn chấn bắt tay vào việc đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, cụ thể là nuôi ba ba và trồng thêm giống nhãn chín muộn cùi dày, vỏ mỏng thành hàng hóa xuất khẩu.

“Tôi rất mong chính quyền địa phương gia hạn thời gian thuê đất canh tác và NHCSXH giải quyết cho vay thêm vốn ưu đãi để gia đình có điều kiện mở rộng mô hình trang trại cũng như sử dụng vốn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, làm giàu ngay trên vùng đất bãi hoang”. Đó là nguyện vọng chính đáng của người nông dân cần mẫn, làm kinh tế giỏi Trịnh Văn Quỳnh ở một làng quê vùng châu thổ sông Hồng rất cần các cấp, các ngành giải quyết, hỗ trợ.

Bài và ảnh Đông Dư - Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác