“Quản” vốn chính sách, Chủ tịch gần dân hơn

13/05/2014
(VBSP News) Là những người chịu trách nhiệm về công tác giảm nghèo ở địa phương nên khi tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, các Chủ tịch UBND cấp xã ở Long An đã trở thành người trong cuộc hoàn toàn. Dù bận bịu và nhiều trọng trách hơn nhưng sự chung tay của Chủ tịch cấp xã khiến hiệu quả đồng vốn chính sách trong dân cũng tăng lên. Kinh nghiệm từ phường 2, thành phố Tân An (Long An) là một ví dụ.
Nguồn vốn chính sách đã được người dân Long An sử dụng hiệu quả Ảnh: VBSP News

Nguồn vốn chính sách đã được người dân Long An sử dụng hiệu quả
                                                                                                                                             Ảnh: VBSP News

Phường 2 là một phường trung tâm của thành phố Tân An với diện tích 140ha, có 3.560 hộ với dân số 18 nghìn người, trong đó có 58 hộ nghèo. Người dân trong phường sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau nhưng chủ yếu là thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ.

Tăng hiệu quả vốn chính sách từ những hành động cụ thể

“Từ tháng 3/2013, khi tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH, tôi được NHCSXH cung cấp tài liệu về các chương trình tín dụng, từ đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vốn vay và tuyên truyền chủ trương, chính sách giải quyết giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND phường 2 nói. Bên cạnh việc trực tiếp tham dự kỳ họp Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố Tân An định kỳ hằng quý để nghe kết quả hoạt động của Ban đại diện, nghe kết quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn thành phố, ông trực tiếp phản ảnh những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách tín dụng tại địa bàn phường.

Chủ tịch UBND phường 2 Nguyễn Văn Hải còn tham dự họp giao ban định kỳ với NHCSXH, từ đó trực tiếp triển khai các công việc liên quan tới hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Ví dụ, liên quan tới việc tập trung xử lý các loại nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ chây ỳ, thì sau cuộc họp giao ban, Chủ tịch UBND xã yêu cầu từng hội, đoàn thể phải họp tất cả các Tổ trưởng do hội, đoàn thể mình quản lý để chốt lại thời gian thực hiện, quyết tâm không để cho nợ quá hạn phát sinh tăng, chỉ trừ những hộ đang đề nghị xử lý rủi ro, còn lại là xử lý hết.

Từ việc xác định nghiêm túc vai trò của các khâu trong quy trình cho vay vốn chính sách, ông Hải cũng chỉ đạo cho các Tổ trưởng phải tham gia giao dịch ở phường, không đuợc vắng ngày giao dịch, vắng thì phải có lý do chính đáng, nếu vắng 2 kỳ liên tục mà không có lý do chính đáng thì phải thay ngay Tổ trưởng. Các Tổ trưởng và các hội, đoàn thể phải kiểm tra theo định kỳ, đặc biệt là hội, đoàn thể phải thường xuyên kiểm tra để hạn chế và ngăn chặn các trường hợp xâm tiêu, chiếm dụng vốn, lãi của NHCSXH.

Trực tiếp “làm tín dụng”, Chủ tịch phường gần dân hơn

Hằng quý, Chủ tịch UBND phường cùng với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh kiểm tra Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời đến từng hộ vay để kiểm tra xem hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích không, nắm tâm tư nguyện vọng của hộ vay làm thế nào để sản xuất kinh doanh có hiệu quả và thoát nghèo nhanh. Qua kiểm tra, phát hiện những bất cập, tiêu cực trong việc cho vay và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương; đồng thời hướng dẫn hộ vay cách dùng Biên lai để tự đổi chiếu tiền vay, tiền lãi và tiền tiết kiệm.

“Bản thân tôi còn cùng với Ban giảm nghèo của phường thực hiện một số nhiệm vụ khác như triển khai đối chiếu nợ vào đầu năm. Việc đối chiếu nợ vào đầu năm là giao cho hội, đoàn thể trực tiếp đối chiếu, nghiêm cấm các hội, đoàn thể giao cho Tổ trưởng đối chiếu. Xây dựng kế hoạch vốn xuất phát từ các khu phố, dựa vào số hộ thuộc đối tượng thụ hưởng mà chưa vay để xây dựng kế hoạch vốn cho năm tới của phường, ông Hải cho biết. Khi nhận được phân bổ vốn là phải phân vốn đến khu phố và chỉ đạo cho khu phố phối hợp với hội, đoàn thể, Tổ trưởng tổ chức họp bình xét cho vay. Khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, giao cho cán bộ giảm nghèo - giải quyết việc làm kiểm tra về đối tượng và biên bản bình xét cho vay trước khi trình UBND xã phê duyệt. Tập trung chỉ đạo các hội, đoàn thể thực hiện tốt 6 công đoạn ủy thác để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể”.

Với sự vào cuộc riết ráo đó, 1 năm qua, dư nợ tín dụng chính sách ở phường 2 đạt hơn 4,7 tỷ đồng, với 322 hộ vay. Dư nợ giảm 462 triệu đồng chủ yếu là do thu hồi nợ Chương trình cho vay học sinh, sinh viên đến hạn và đến hạn phân kỳ. 100% Tổ tham gia tiền gửi tiết kiệm với số dư bình quân 1 triệu đồng/hộ. Tất cả các Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt chất lượng tốt, không có xâm tiêu, chiếm dụng vốn.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói trên, đôi lúc tôi cũng bận các công việc khác nên chưa tập trung nhiều cho công tác kiểm tra ở cơ sở, ông Hải bày tỏ. Tuy nhiên, 1 năm qua, tôi nhận thấy việc thực hiện thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH là phù hợp với thực tiễn và thể hiện được vai trò của người đứng đầu”.

“Đến 31/3/2014, tỉnh Long An đã bổ sung 190 Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, nâng tổng số thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh và cấp huyện từ 152 lên 342 thành viên.

Các Chủ tịch UBND cấp xã đã kiểm tra, giám sát được 387 lượt Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổ xếp loại tốt chiếm 73%, tăng 635 tổ so với thời điểm trước và hiện không còn tổ xếp loại yếu, kém; kiểm tra, giám sát 1.548 lượt hộ vay, các món vay đều được giải ngân đúng đối tượng thụ hưởng, các hộ vay sử dụng đúng mục đích, sát với nhu cầu thực tế”.

Theo PLVN

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác