Hộ cận nghèo ở Hậu Giang đã có cơ hội thoát nghèo bền vững

08/05/2014
(VBSP News) Sau hơn 1 năm cho vay, hộ cận nghèo ở Hậu Giang đã sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, hiệu quả mang lại là rất thiết thực.
Ông Tô Ngọc Quới đang làm đất chuẩn bị trồng dưa hấu

Ông Tô Ngọc Quới đang làm đất chuẩn bị trồng dưa hấu

Thoát nghèo bền vững

Gặp ông Tô Ngọc Quới ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, chúng tôi thấy được sự phấn khởi của gia đình ông khi tiếp cận được nguồn vốn vay. Ông Quới, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo, nhờ được vay vốn và nỗ lực lao động của cả nhà nên đã thoát nghèo. Dù thoát nghèo, nhưng điều kiện kinh tế vẫn chưa ổn định do thu nhập chủ yếu là từ việc làm thuê”. Từ khi có chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo, ông Quới được tiếp tục vay vốn để trồng dưa hấu trên diện tích 1 công đất nhỏ nhoi của gia đình. Đã mấy vụ dưa qua nhờ thu được lợi nhuận nên cuộc sống gia đình ông đã ổn định.

Bình quân mỗi vụ ông Quới thu được khoảng 3 triệu đồng tiền lời từ mô hình trồng dưa hấu. Tết vừa qua giá dưa tăng cao, lợi nhuận nhiều hơn, cả nhà ông ăn tết đầy đủ và vui vẻ. Mô hình trồng dưa là chỗ dựa vững chắc để ông nuôi hai đứa con của mình ăn học đến nơi đến chốn.

Ông Nguyễn Văn Núi - Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp 1B, nhận định: “Nguồn vốn vay ưu đãi là điều kiện để nhiều hộ cận nghèo thực hiện được mơ ước phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Các hộ dân của ấp đa số vay vốn để trồng hoa màu. Hiện tại ấp chỉ còn trên 60 hộ nghèo và cận nghèo. Nguồn vốn vay giúp hộ cận nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhu cầu vay vốn còn cao

Ở huyện Châu Thành A, hiện tại chỉ giải quyết cho vay vốn được khoảng 17% hộ cận nghèo, con số này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Ông Trần Thành Đạt - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành A, cho biết: “Hiệu quả cho vay đối với hộ cận nghèo cao hơn đối với hộ nghèo do họ có tư liệu sản xuất và có kiến thức sản xuất. Các hộ đã vay vốn hộ cận nghèo thực hiện rất tốt việc trả lãi đúng hạn. Trên địa bàn huyện còn trên 2.000 hộ cận nghèo. Dù nguồn vốn vay đã được tăng thêm ở năm 2014 nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu cho đa số hộ cận nghèo”. Tính đến nay, dư nợ cho vay hộ cận nghèo của huyện là 22 tỷ đồng.

Còn ở huyện Châu Thành, tỷ lệ hộ được tiếp cận nguồn vốn cao hơn, khoảng 50%, tuy nhiên do đặc điểm kinh tế vườn nên hộ vay có nhu cầu vay vốn cao hơn. Ông Lê Chiến Bình - Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành, nói: “Nguồn vốn được các hộ vay sử dụng đúng mục đích vào trồng vườn, mua phân bón, cây trồng, mua các giống gia súc, gia cầm mới về chăn thả, chính vì thế nhiều hỗ đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững”.

Chương trình cho vay hộ cận nghèo được sự đồng thuận, nhất trí cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Hậu Giang. Mặc dù nguồn vốn vay vẫn còn hạn chế, chưa giải quyết hết nhu cầu của hộ cận nghèo nhưng cũng đã giúp nhiều hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh Hồng Diễm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác