Ghi nhận từ một phường xóa gần hết hộ nghèo
UBND phường Phủ Hà đã xây dựng Đề án về thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm chia làm 2 giai đoạn: 2006 - 2010 và 2012 - 2016. Hằng năm, dựa vào tình hình thực tế, phường đề ra chỉ tiêu giảm nghèo phù hợp, huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để cụ thể hóa các giải pháp nhằm đạt được kế hoạch đề ra. Phương châm để giảm nghèo hiệu quả của địa phương chính là xác định đúng đối tượng nghèo để hỗ trợ trên tinh thần công khai, minh bạch. Với phương châm này, UBND phường chỉ đạo các Ban quản lý khu phố thực hiện đúng quy trình, cách thức xác định hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm đúng đối tượng, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo, phân loại hộ nghèo theo nhóm để từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Ngay từ đầu năm, căn cứ vào nhu cầu thực tế về vốn của các hộ, UBND phường đề nghị NHCSXH phân bổ nguồn vốn vay, thông báo để các hộ đăng ký tham gia vay vốn. Sau khi giải ngân nguồn vốn vay, chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng và các hội, đoàn thể hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, đôn đốc việc trả lãi, vận động tiết kiệm… Nhờ vậy, số vốn vay luôn được các hộ sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, hạn chế tối đa tình trạng nợ quá hạn.
Tính đến nay, toàn phường Phủ Hà có 600 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, với tổng dư nợ gần 6 tỷ đồng, tỷ lệ thu lãi đạt trên 91%. Đối với các hộ không có việc làm ổn định, chính quyền địa phương phối hợp với các hội, đoàn thể liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình có nhu cầu tuyển dụng lao động, giới thiệu, tạo công ăn việc làm cho người lao động. UBND phường còn phối hợp tổ chức vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo, với mức 10kg gạo/tháng/hộ, giúp các hộ giảm bớt khó khăn, đồng thời tạo mối quan hệ gần gũi, động viên, khuyến khích các hộ phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.
Bà Đặng Thị Kim Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Hầu hết các hộ nghèo trong phường còn sức lao động đều rất chú tâm làm ăn. Mặc dù bước đầu gặp nhiều khó khăn nhưng do biết tiết kiệm, tích cóp, lấy ngắn nuôi dài nên chỉ một vài năm sau đã thoát nghèo, ngày càng ổn định đời sống, chưa có trường hợp nào tái nghèo. Điển hình như hộ anh Nguyễn Xa ở khu phố 5, có gần 5 sào ruộng nhưng không có vốn sản xuất lại đông con nên rơi vào diện hộ nghèo. Hiểu được hoàn cảnh gia đình anh, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã đến tận nhà động viên, hướng dẫn vợ chồng anh vay vốn chính sách để làm ăn. Từ đó anh mạnh dạn vay 5 triệu đồng, một phần đầu tư sản xuất 5 sào ruộng lúa, phần vốn còn lại để vợ và các con đầu tư buôn bán nước giải khát. Nhờ vậy, chỉ vài năm sau, gia đình anh thoát được nghèo, cuộc sống ngày càng ổn định. Hay như gia đình chị Trần Thị Kim Liên ở khu phố 5. Vợ chồng chị không có việc làm ổn định, lại đông con. Nhờ cán bộ địa phương hướng dẫn, chị vay 5 triệu đồng mua xe ba gác máy cho chồng chở hàng thuê kiếm sống hằng ngày. Nhờ cần cù chịu khó làm ăn, tiết kiệm, tích cóp được số vốn nho nhỏ, chị buôn bán thêm hoa quả kiếm thêm thu nhập. Đến nay, gia đình chị cũng đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, có bát ăn bát để.
Ngoài hỗ trợ sản xuất, tạo công ăn việc làm, chính quyền địa phương còn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi khác cho các hộ nghèo như: miễn giảm tiền học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo; vận động tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ học bổng cho học sinh, xây dựng nhà Đại đoàn kết…
Với những giải pháp phù hợp và việc làm thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo toàn phường giảm đều hàng năm. Năm 2013, toàn phường có 11 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo giảm xuống còn 14 hộ, chiếm 0,4% (giảm 0,5% so với năm 2012 và 3,65% so với năm 2005). Toàn phường hiện có 74 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,15%.
Bà Phó Chủ tịch UBND phường còn cho biết thêm: Công tác giảm nghèo của địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt đối với việc giải quyết việc làm cho các đối tượng trong diện hộ nghèo. Thời gian tới, địa phương mong muốn các ngành, các cấp quan tâm, hỗ trợ trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cho lao động ở địa phương, nhất là các lao động thuộc diện gia đình nghèo, giúp địa phương thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.
Theo Báo Ninh Thuận
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Hộ cận nghèo ở Hậu Giang đã có cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng Nông thôn mới làm việc tại tỉnh Bình Phước
- » Vốn vay ưu đãi nơi đất chật, người đông
- » Phụ nữ Thới Bình làm tốt công tác ủy thác
- » Đoàn công tác Trung ương làm việc tại Lâm Đồng về xây dựng Nông thôn mới
- » Thêm nguồn lực cho hộ nghèo và cận nghèo
- » Đòn bẩy để hộ nghèo tại các huyện nghèo vươn lên
- » Kết quả giảm nghèo ở miền quê Đồng Tháp Mười
- » Làng quê Phúc Thọ đổi mới