Nhịp cầu dẫn vốn

12/05/2014
(VBSP News) Sự phối hợp giữa NHCSXH tỉnh Bắc Ninh với các hội, đoàn thể trong những năm qua là nhịp cầu đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Hội viên phụ nữ phường Võ Cường (Bắc Ninh) đầu tư trồng rau màu đem lại hiệu quả kinh tế

Hội viên phụ nữ phường Võ Cường (Bắc Ninh) đầu tư trồng rau màu đem lại hiệu quả kinh tế

Từ nhiều năm nay, 4 tổ chức hội, đoàn thể, gồm: Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên là cơ sở vững chắc để NHCSXH tin tưởng ủy thác thực hiện cho vay vốn ưu đãi, đồng thời giám sát việc sử dụng vốn vay. Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Bắc Ninh uỷ thác qua các hội, đoàn thể này đạt hơn 1.711 tỷ đồng với hơn 2.800 Tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 99 nghìn lượt hộ còn dư nợ.

Tất cả các hội, đoàn thể nhận ủy thác nguồn vốn vay đều phát huy hiệu quả cao, trong đó điển hình là Hội Phụ nữ. Nếu hết quý I/2013, tổng dư nợ do Hội Phụ nữ nhận uỷ thác là 823 tỷ đồng thì đến nay đạt hơn 885 tỷ đồng với hơn 46 nghìn hộ còn dư nợ ở 1.188 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn chính sách cho vay uỷ thác qua các cấp Hội Phụ nữ đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét và mang tính xã hội cao, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Với lãi suất hợp lý, chu kỳ vay dài, nguồn vốn này giúp các hội viên phụ nữ có điều kiện đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Bắc Ninh đã thực sự là nhịp cầu đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên giám sát việc sử dụng vốn vay của các hội viên, giúp họ đầu tư đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Vì vậy, tỷ lệ thu nợ, thu lãi của Hội đạt chỉ tiêu đề ra, nợ quá hạn thấp hơn tỷ lệ cho phép.

Theo thống kê của NHCSXH tỉnh Bắc Ninh, hơn 11 năm thực hiện chương trình ủy thác vay vốn đã có gần 60 nghìn lượt hội viên phụ nữ vay vốn thông qua các chương trình như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường…, với tổng doanh số cho vay hơn 1.500 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này kết hợp với các nguồn vốn khác nhiều hội viên phụ nữ đã mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh cho mức thu nhập cao.

Điển hình như gia đình chị Lưu Thị Dung ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Năm 2002 được Hội phụ nữ giúp vay 200 triệu đồng cộng với huy động các nguồn vốn chị đầu tư vào mô hình VAC với 2ha trang trại thả cá, nuôi vịt đẻ, ấp trứng vịt lộn… Đến nay, gia đình đã trả hết nợ và có mức thu nhập ổn định gần 600 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở xã Việt Thống, huyện Quế Võ là điển hình tiêu biểu đại diện cho những phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2008, chị được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp NHCSXH huyện vay 35 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi lợn nái, nuôi cá… Đến nay, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống với mức thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm.

Điều đáng ghi nhận trong hoạt động dẫn vốn của Hội Phụ nữ là đã khéo léo kết hợp các buổi sinh hoạt với việc tuyên truyền sử dụng đồng vốn đúng mục đích bằng việc phổ biến áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đây cũng là dịp để nâng cao trình độ của những người quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, cũng như phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở xác nhận đúng đối tượng cho vay, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, thực hiện tốt những công đoạn ủy thác với NHCSXH.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi được ủy thác qua các hội, đoàn thể mà hàng nghìn lượt hộ gia đình hội viên trong tỉnh Bắc Ninh đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho quê hương. Bởi vậy, đã từ lâu hội viên luôn thực sự tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội và coi đó là nhịp cầu dẫn vốn cho phát triển kinh tế, là điểm tựa vững chắc trong cuộc sống hôm nay.

Bài và ảnh Hà Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác