Quảng Nam giúp thanh niên lập nghiệp

15/05/2014
(VBSP News) Tình trạng thanh niên thất nghiệp, phải rời quê đi làm ăn xa là một thực tế đáng quan tâm trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên hiện nay. Để từng bước hạn chế tình trạng trên, vấn đề hướng nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua nguồn vốn vay từ NHCSXH là cách làm hữu hiệu của thanh niên tỉnh Quảng Nam.
Trang trại nuôi ếch của Lê Văn Thành ở huyện Điện Bàn

Trang trại nuôi ếch của Lê Văn Thành ở huyện Điện Bàn

Theo anh Đặng Hữu Tú - Phó Bí thư huyện đoàn Điện Bàn (Quảng Nam), trước đây việc triển khai và tổ chức cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay của NHCSXH chưa được các cơ sở đoàn trong huyện thực hiện tốt. Nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn giảm nghèo, phát triển kinh tế, học tập, lập nghiệp… nhưng thông tin về vốn vay chưa được cung cấp đầy đủ, kịp thời. Để tháo gỡ vướng mắc về vốn vay, Huyện đoàn Điện Bàn đã phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức lớp tập huấn công tác quản lý vốn vay trong thanh niên. Sau đợt tập huấn các cơ sở đoàn trong toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi. Thông qua sinh hoạt đoàn, các đợt tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác, nhận thức của thanh niên từng bước thay đổi. Từ chỗ, không ít thanh niên còn e ngại khi bắt đầu tiếp cận các nguồn vốn vay, cũng như chưa có định hướng về phát triển kinh tế, thì nay công tác giảm nghèo, lập thân, lập nghiệp đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương làm kinh tế giỏi, như anh Huỳnh Vinh - Giám đốc Công ty TNHH nghệ thuật gỗ Âu Lạc, Nguyễn Văn Thảo - chủ cơ sở sản xuất nước uống Thanh Thủy), Lê Văn Thanh - chủ trang trại nuôi ếch.

Năm 2013 tại tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ 8 cho 300 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc. Trong đó, tỉnh Quảng Nam vinh dự có 5 thanh niên được nhận giải thưởng. Mỗi người có một hoàn cảnh, một xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung, đó là ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên lập thân, lập nghiệp tại quê nhà. Đó là Phan Hòa Bình, sinh năm 1985 tại thôn La Tháp Tây, xã Duy Hòa. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại đông con, đang học lớp 11, Bình phải bỏ học, bỏ quê vào TP. Hồ Chí Minh kiếm sống, hy vọng kiếm tiền trợ giúp gia đình. Nhưng, thực tế không như điều anh nghĩ. Bình lại về quê. Với ý chí và nghị lực không chịu đói nghèo, anh lại ra Đà Nẵng học nghề chạm khắc trên đá. Khi đã thành nghề trở về địa phương, không có vốn làm ăn, vì vậy thông qua cơ sở đoàn anh được vay 15 triệu đồng trong chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Duy Xuyên, mở cơ sở chế tác và gia công đá granits. Vốn ít, tích cóp dần, nhờ khéo tay nghề, Bình từng bước mở rộng sản xuất. Đến nay xưởng của anh giải quyết việc làm cho 15 thanh niên địa phương, với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Cũng như Bình, Nguyễn Hoài Nhẫn sinh năm 1968 ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn trong một gia đình nghèo, đông con, nhưng đầy chí làm giàu. Với nguồn vốn gia đình 20 triệu đồng và được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo của NHCSXH anh đầu tư, mở rộng nhà xưởng sản xuất trầm mỹ nghệ. Đến nay, giải quyết cho 15 lao động tại dịa phương với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của xưởng bình quân 400 triệu đồng/năm.

Hiện nay, vốn ủy thác của Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Nam qua kênh NHCSXH là 310 tỷ đồng, với 435 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, còn có vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, gần 1 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn Đoàn Thanh niên thành lập hàng trăm cơ sở sản xuất, dự án kinh tế của các ban trẻ được tiếp sức, tạo thêm hàng nghìn việc làm cho thanh niên. Nhiều ông chủ trẻ khởi nghiệp từ nguồn vốn vay ngay tại quê nhà. Theo anh Thái Bình - Bí thư tỉnh đoàn Quảng Nam, để thực sự “đồng hành với thanh niên” đoàn phải hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và có việc làm ổn định. Cùng với việc tạo nguồn vốn vay, tức là “trao cái cần câu”, thì các cơ sở đoàn phải linh hoạt, hướng dẫn cách làm ăn, “dạy cách câu” cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác