Phụ nữ Phong Thổ chăn nuôi giỏi

15/05/2014
(VBSP News) Được sự trợ giúp của NHCSXH cùng với tinh thần vượt khó, nhiều hội viên phụ nữ dân tộc vùng biên ải Phong Thổ (Lai Châu) đã vươn lên thoát nghèo làm giàu, ổn định cuộc sống.
Ở Phong Thổ có nhiều chị em phụ nữ vay tiền chính sách đầu tư nuôi lợn

Ở Phong Thổ có nhiều chị em phụ nữ vay tiền chính sách đầu tư nuôi lợn

Minh chứng cho kết quả đó, trước hết xin kể về chị Kà Thị Thu 28 tuổi, dân tộc Thái mà chúng tôi đã tai nghe, mắt thấy trong chuyến công tác vùng cao Tây Bắc vừa qua. Là một trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo của bản Khuổi Bảo, xã Mường So nhưng chị Thu không có tư tưởng ỷ lại hay trông chờ vào chính sách cấp phát của Nhà nước, mà chị luôn khắc phục mọi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2005, sau khi lập gia đình, mặc dù còn bộn bề khó khăn, không có nguồn vốn đầu tư sản xuất, nhưng chị Thu đã bàn với chồng quyết định vay vốn ưu đãi của NHCSXH khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi trâu. Với số tiền 11 triệu đồng vay chương trình hộ nghèo, chị mua một con trâu cái về nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, chị không ngừng học tập kinh nghiệm qua sách báo, xem ti vi, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng bệnh định kỳ. Sau một năm, con trâu được chăm sóc tốt đã sinh sản được một con nghé khoẻ mạnh.

Thấy được hiệu quả kinh tế mà mô hình chăn nuôi trâu sinh sản đem lại, những năm sau đó, gia đình chị Thu tiếp tục đầu tư làm chuồng trại vững chắc, tăng thêm số lượng trâu nuôi lên 10 con (kể cả nghé), giúp gia đình chủ động được giống nghé tốt để nuôi thành trâu thương phẩm, đến nay bán ra thị trường 5 con trâu béo khỏe phục vụ cày đất, kéo xe. Từ chăn nuôi trâu, gia đình chị Kà Thị Thu đã có nguồn thu khá, đạt trên 70 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, từ sự tích luỹ, chị còn đào ao thả cá và mở cửa hàng bán phân bón vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con trong bản.

Cũng thành công nhờ mô hình chăn nuôi, nhưng chị Lò Thị Sanh ở bản Huổi Én, xã Mường So lại có cách làm khác. Năm 2004, sau khi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ trong xã, huyện có hiệu quả kinh tế cao, được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, chị Sanh vay 10 triệu đồng vốn cho vay hộ nghèo từ nguồn vốn uỷ thác của NHCSXH huyện. Cộng với số tiền ít ỏi mà gia đình chắt chiu được, chị đã đầu tư phát triển kinh tế gia đình bằng nghề chăn nuôi lợn.

Lúc đầu chị Sanh nuôi 2 con lợn nái, sau đó chuyển sang nuôi lợn thịt. Nhờ siêng năng chịu khó, và thực hiện đúng kỹ thuật chăm sóc phòng bệnh, nên đàn lợn của gia đình chị không ngừng phát triển, chỉ sau 2 năm, chị đã trả hết tiền vay ngân hàng và còn một phần vốn để tích luỹ.

“Từ nguồn vốn vay ưu đãi và kinh nghiệm tích lũy được, gia đình tôi tiếp tục đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, tăng số lượng lợn nuôi. Những năm gần đây, tôi thường nuôi 3 con lợn nái sinh sản, 1 con lợn đực giống, trung bình mỗi năm đàn lợn nái đẻ được 50 - 60 con lợn con, giúp chủ động được nguồn lợn giống để phát triển nuôi thành lợn thịt” - chị Sanh tâm sự.

Kinh tế gia đình khá giả, có vốn tích luỹ, gia đình chị Lò Thị Sanh còn trồng 9.000m2 chè, mua thêm máy đập lúa, máy cày đất, mở dịch vụ xay xát lương thực. Hằng năm, từ các công việc đó gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Kinh tế phát triển, gia đình chị xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang giữa vùng rừng núi, các con khỏe mạnh, học giỏi. Bản thân chị đạt danh hiệu phụ nữ 2 giỏi: Đảm việc nước, giỏi việc nhà và được bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ của bản Huổi Én thân yêu thuộc xã Mường So, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Bài và ảnh Nguyễn Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác