NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CHỦ TỊCH XÃ THAM GIA BAN ĐẠI DIỆN HĐQT NHCSXH CẤP HUYỆN (Bài 1: Ngân hàng và Chính quyền cùng quản lý vốn)
Chất lượng tín dụng tốt
Sau hơn 11 năm hoạt động, NHCSXH ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, với hình thức cho vay ưu đãi “có vay, có trả”, nguồn vốn này tạo động lực cho người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhưng thu hồi vốn cũng phải đảm bảo.
Khác với các Ngân hàng thương mại, hoạt động của NHCSXH mang tính đặc thù. Nếu như các Ngân hàng thương mại khi cho khách hàng vay vốn, cán bộ ngân hàng phải tham gia vào tất cả các khâu từ thẩm định, giải ngân, thu lãi, thu nợ, thì quy trình này của tín dụng chính sách lại được gửi gắm vào chính quyền, các hội, đoàn thể ở địa phương.
Chẳng hạn, khi có nhu cầu vay vốn NHCSXH, người nghèo sẽ được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, xóm bình xét. Sau đó, chính quyền xã phải xác nhận hộ vay vốn có đúng đối tượng hay không. Ngân hàng sẽ ủy thác vốn vay qua hội, đoàn thể với “chân rết” là các Tổ tiết kiệm và vay vốn để nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích. Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ ngân hàng công đoạn thu lãi, thu nợ. Đặc biệt, các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn giám sát việc sử dụng vốn của từng hội viên, giúp cho nguồn vốn đi vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Theo tìm hiểu của phóng viên tại các địa phương, hiện nay đa số UBND cấp xã giao cho Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban giảm nghèo và tham gia xác nhận các đối tượng đủ điều kiện vay vốn NHCSXH. Đồng thời, Phó Chủ tịch xã cũng họp bàn với các hội, đoàn thể quản lý, sử dụng vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Như vậy, chính quyền xã đã tham gia thực hiện các nhiệm vụ quản lý, phân bổ vốn vay qua sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND cấp huyện kiêm Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.
Thực tế cho thấy, với phương thức hoạt động này, 11 năm hoạt động của NHCSXH đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo, năm 2013, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 121.696 tỷ đồng. Số tiền thu nợ đạt gần 27 nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết thành công nổi bật thời gian qua của ngân hàng là chất lượng tín dụng đã được củng cố rất tốt. Hết năm 2013, nợ quá hạn chỉ có 0,79%/tổng dư nợ.
“Đó là kết quả của 1 năm chúng tôi tập trung cao độ chấn chỉnh hoạt động tín dụng. NHCSXH đã có nhiều giải pháp củng cố tổ, nhóm vay vốn, phối hợp tốt với các hội, đoàn thể làm ủy thác cho vay, nâng cao nhận thức người vay và hiệu quả sử dụng vốn của người vay”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý nhấn mạnh.
Vẫn muốn tốt hơn nữa
Thực hiện Công văn số 990/VPCP-KTTH ngày 31/1/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện và các văn bản hướng dẫn của NHCSXH, 3 tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An, được chọn thí điểm và đã sơ kết chương trình sau 1 năm thực hiện với kết quả khá tích cực.
Bà Đỗ Thị Lệ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang, cho rằng: Có sự tham gia của Chủ tịch xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thì việc đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đến hạn và những vấn đề vướng mắc được tháo gỡ kịp thời hơn. Bởi nhìn lại kết quả phối hợp 11 năm qua, việc Phó Chủ tịch xã không đứng đầu chính quyền địa phương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý vốn vay phải “trao đi, đổi lại”, không được trực tiếp nên có thể đôi lúc khiến hiệu quả chưa được phát huy hết như mong muốn.
Về điểm này, ông Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ, hoạt động của NHCSXH dưới sự chỉ đạo điều hành của Ban đại diện thời gian qua còn gặp những khó khăn nhất định. Bởi các thành viên Ban đại diện làm việc kiêm nhiệm, số lượng các xã, phường, thị trấn nhiều. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi lớn, bổ sung cho vay nhiều chương trình tín dụng mới…
Do đó, ông Xứng đồng tình rằng, để duy trì và phát huy những thành tựu đạt được trong 11 năm qua của NHCSXH, đòi hỏi phải có sự đột phá trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, cần có sự chỉ đạo, giám sát ngay từ cơ sở mà cụ thể là nâng cao vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bà Đỗ Thị Lệ khẳng định thêm: Khi bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện sẽ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành chính sách tín dụng tại địa phương. Được trực tiếp tham gia vào các kỳ họp giao ban Ban đại diện, Chủ tịch UBND cấp xã đã nắm bắt sâu các chủ trương, chính sách vay vốn, nắm bắt được những ưu điểm, cũng như những tồn tại, khó khăn trong tổ chức thực hiện hoạt động vay vốn trên địa bàn.
Theo Thời báo ngân hàng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Giải pháp giúp nông dân Thái Bình thoát nghèo bền vững
- » NHCSXH tỉnh Hưng Yên: Nợ quá hạn chỉ có 0,084% trên tổng dư nợ
- » Hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Hà Nam
- » Quảng Nam giúp thanh niên lập nghiệp
- » Phụ nữ Phong Thổ chăn nuôi giỏi
- » Vốn ưu đãi - “phao cứu sinh” của nhiều nông dân
- » Sử dụng hiệu quả vốn ưu đãi
- » Làm giàu trên vùng đất bãi hoang hóa
- » “Quản” vốn chính sách, Chủ tịch gần dân hơn