Hiệu quả nguồn vốn vay cho vay giải quyết việc làm ở Điện Biên

28/05/2014
(VBSP News) Ngay sau khi được NHCSXH phân bổ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các hội, đoàn thể thực hiện cho vay cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, cho vay giải quyết việc làm hộ, nhóm hộ...
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, nông dân xã Thanh Luông (Điện Biên) đầu tư nuôi thủy sản, tạo việc làm, tăng thu nhập

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, nông dân xã Thanh Luông (Điện Biên) đầu tư nuôi thủy sản, tạo việc làm, tăng thu nhập

Cơ chế quản lý, điều hành vốn tín dụng của Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện chặt chẽ ngay từ cơ sở: thôn, bản tổ chức họp dân bình xét đối tượng vay vốn; xuyên suốt quá trình quản lý vốn vay có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương. Việc thu hồi vốn và lãi tín dụng được thực hiện tại các Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn tạo điều kiện cho người vay vốn tiết kiệm chi phí đi lại. Đồng thời, tạo “kênh” giám sát vốn vay thường xuyên qua sự phối hợp giữa ngân hàng với các hội, đoàn thể thực hiện chương trình, đặc biệt là các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Ông Đàm Xuân Triệu - Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên, cho biết: Thời gian qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã đạt hiệu quả tích cực nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các hội, đoàn thể trên địa bàn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Nhờ thực hiện hiệu quả dự án vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, 3 năm qua (2011 - 2013), toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 3.290 lao động. Tính riêng năm 2013, Trung ương cấp cho tỉnh Điện Biên trên 2,7 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn thu hồi trong năm, ngân hàng đã cho 760 dự án vay vốn với tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng, đạt 155,7% kế hoạch. Trong đó, có 24 dự án của các cơ sở sản xuất kinh doanh, tổng vốn vay đạt trên 2,2 tỷ đồng; 736 dự án hộ, nhóm hộ gia đình với số vốn vay trên 23,8 tỷ đồng. Hiệu quả của chương trình tín dụng ưu đãi là “đòn bẩy” để người nghèo được vay vốn sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn sạch sẽ nằm cuối bản, chị Lò Thị Ánh ở bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên nhớ lại những ngày đầu khốn khó tưởng chừng chẳng thể vượt qua nếu không được tiếp cận vốn kịp thời từ NHCSXH huyện Điện Biên. Đầu năm 2012, chị Ánh trở thành “trụ cột” gia đình nuôi 4 miệng ăn khi người chồng bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời. Kinh tế khó khăn, vốn liếng không có để chăn nuôi nên mọi sinh hoạt trong nhà chỉ trông vào hơn hơn 8 sào ruộng. Vượt lên nỗi buồn nhờ sự động viên của anh em họ hàng, qua “kênh” của Hội Phụ nữ xã, chị Ánh được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Có vốn chị Ánh đầu tư nuôi 2 con trâu sinh sản, nuôi lợn thịt và chăn nuôi gia cầm. Với mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài”, nhiều lứa lợn, gà thịt được bán đã giúp gia đình chị Ánh có khoản thu nhập nho nhỏ từng bước giải quyết khó khăn trước mắt. Cuối năm 2013, trâu sinh sản 1 con nghé, chị chăm sóc thêm vài tháng cho cứng cáp, rồi đến đầu năm 2014 bán được 11 triệu đồng. Số tiền bán nghé phần để trang trải cuộc sống, mua thêm vật dụng sinh hoạt và phần còn lại được sử dụng tiếp tục tái đầu tư mở rộng chăn nuôi gia cầm.

Còn với anh Vừ A Chìa ở bản Ma Thì Hồ 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, nhờ được vay vốn 20 triệu đồng từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, anh đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản gắn với phát triển kinh tế vườn rừng. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, đến nay gia đình anh Chìa đã phát triển mô hình kinh tế trang trại với gần chục con trâu, bò. Mỗi năm, trừ chi phí anh Chìa thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng: Thời gian qua, nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đã góp phần giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất. Việc sử dụng hiệu quả đồng vốn còn đóng góp không nhỏ vào sự thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.

Bài và ảnh Minh Thùy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác