Vốn chính sách trên vùng cao Quan Sơn

02/06/2014
(VBSP News) Quan Sơn là huyện vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, bởi vậy sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách là nhân tố quan trọng giúp người nghèo nơi đây phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nông dân Quan Sơn vay vốn chính sách nuôi lợn thịt

Nông dân Quan Sơn vay vốn chính sách nuôi lợn thịt

Thời gian qua, NHCSXH huyện Quan Sơn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở địa phương rà soát và thống kê chính xác, cụ thể số hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có nhu cầu vay vốn ưu đãi.

Tính đến nay, đơn vị đã cho vay với dư nợ hơn 132 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo đạt 75 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn gần 33 tỷ đồng; hộ cận nghèo 9,3 tỷ đồng. Hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn đã vượt lên sự tự ty, mặc cảm để sử dụng vốn vay, trồng trọt, chăn nuôi, thoát nghèo, ổn định đời sống.

Gia đình ông Lò Văn Hán ở khu 6, thị trấn Quan Sơn là một điển hình trong việc vay, sử dụng vốn hiệu quả. Cách đây không lâu, nhà ông Hán còn thiếu đói vì việc trồng rừng bị phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nhất là không có vốn đầu tư mua cây giống phục vụ sản xuất. Năm 2010, thông qua Hội Nông dân, ông được vay 30 triệu đồng. Nhận tiền vay, gia đình ông quyết định đầu tư làm chuồng trại và mua 2 con trâu sinh sản về chăn nuôi. Chưa đầy một năm, gia đình ông đã có 2 con nghé, bán được giá gần 15 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Dù kinh tế chưa khá giả nhưng gia đình tôi đã ổn định cuộc sống và dành dụm một khoản tiền nho nhỏ để tiếp tục mở rộng chăn nuôi, trồng thêm 500 cây luồng”.

Còn đối với gia đình bà Lương Thị Lãng ở bản Lầu, xã Sơn Hà cũng nhờ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của chi hội Phụ nữ bản, được bình xét vay 30 triệu đồng từ giữa năm 2011 về nuôi 23 con lợn thịt, lợn nái, vừa rồi xuất bán đàn lợn giống được 28 triệu đồng. Từ nguồn thu này, bà quyết định mở rộng chuồng trại nuôi 36 con lợn thương phẩm, mỗi năm xuất bán 3 lứa. Cuộc sống gia đình bà nay đã ổn định.

Anh Lô Đình Hùng - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sơn Hà cho biết: Hiện dư nợ của toàn xã là gần 16 tỷ đồng, trong đó: Đoàn Thanh niên quản lý hơn 4 tỷ đồng cho gần 200 lượt đoàn viên thanh niên vay vốn. Riêng vợ chồng tôi ngay sau khi được tuyên truyền về chính sách cho vay vốn đối với thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp, đã làm thủ tục vay, thực hiện kế hoạch xây sửa chuồng trại, mua con giống tốt để nuôi nhím. Có thể nói, vốn vay ưu đãi đã và đang là trợ lực rất lớn để đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.

Theo đánh giá của chính quyền huyện Quan Sơn, hiệu quả của nguồn vốn chính sách được thể hiện qua tỷ lệ giảm nghèo từng năm và sự thay đổi cuộc sống của mỗi gia đình được vay vốn. Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH huyện Quan Sơn tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với các hội, đoàn thể trong quá trình uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đặc biệt đẩy mạnh củng cố chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các Điểm giao dịch tại xã, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ vừa huy động nguồn vốn trong dân, vừa đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận lợi. Đây chính là bài học kinh nghiệm trong quản lý, vận hành kênh vốn chính sách góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ vùng dân tộc miền núi xóa nghèo nhanh, bền vững và phát triển kinh tế ổn định.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác