Nam Định đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho sinh viên nghèo hiếu học

30/05/2014
(VBSP News) Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Thiêm - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định đối với Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Đến nay, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chính sách này đã và đang giúp hàng nghìn sinh viên nghèo trên mảnh đất hiếu học Nam Định có tiền trang trải chi phí học tập, nối tiếp ước mơ giảng đường và khát vọng đổi thay.
Khách hàng giao dịch với NHCSXH tại Điểm giao dịch xã Giao Long, huyện Giao Thủy (Nam Định)

Khách hàng giao dịch với NHCSXH tại Điểm giao dịch xã Giao Long, huyện Giao Thủy (Nam Định)

Đồng vốn nhỏ thay đổi số phận

Gia đình chị Vũ Thị Bích ở xóm 9, xã Giao Long, huyện Giao Thủy là một điển hình, khiến nhiều người nể phục. Hơn chục năm nay kể từ ngày chồng chị - người trụ cột của gia đình mất vì tai nạn lao động, chị Bích một mình tần tảo nuôi con ăn học. Nhớ lại quãng thời gian đã qua, chị Bích không giấu nổi xúc động chia sẻ: “Lúc chồng mới mất, kinh tế gia đình tôi lâm vào khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nên có những lúc tôi định cho con thôi học, ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Nhưng nhìn các con quyết tâm học tập tôi tự động viên bản thân gắng gượng để nuôi con học mong ngày đổi đời”.

Năm 2011, cầm trên tay giấy báo đỗ Đại học Y Hà Nội của cháu lớn Vũ Thị Diệp với số điểm rất cao, chị vừa mừng vừa lo, lo vì không biết lấy tiền đâu để nuôi con học. Trước hoàn cảnh của chị Vũ Thị Bích, Hội Nông dân xã Giao Long đã tạo điều kiện, bình xét và giải quyết cho hộ chị Bích được vay vốn Chương trình học sinh, sinh viên, với tổng dư nợ đến nay là 27 triệu đồng. Ánh lên trong mắt chị niềm tự hào, chị chia sẻ: “Đây thực sự là một nguồn hỗ trợ rất lớn đối với gia đình tôi, nếu không các con tôi đã không thể tiếp tục ước mơ giảng đường”. Bên cạnh đó, để giúp chị Bích có “gánh mưu sinh” nuôi con ăn học, năm 2012, Hội đã đứng ra thế chấp với NHCSXH cho chị vay 20 triệu đồng nguồn vốn hộ nghèo để đầu tư mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Noi gương chị gái, năm vừa qua, cậu em Vũ Văn Chuyên cũng đã đỗ vào trường Đại học Giao thông vận tải.

Vợ chồng ông Bùi Văn Quân (trong cùng) phấn khởi “khoe” Bằng tốt nghiệp Đại học đạt loại Giỏi của con trai

Vợ chồng ông Bùi Văn Quân (trong cùng) phấn khởi “khoe” Bằng tốt nghiệp Đại học đạt loại Giỏi của con trai

Cùng xóm với gia đình chị Bích, có gia đình ông Bùi Văn Quân, trước đây thuộc diện hộ nghèo, có 4 người con học liên tục tại các trường đại học. Cậu con trai đầu là Bùi Văn Quang trước đây học tại Học viện Hậu cần, nên được Nhà nước nuôi, nay đã ra trường và đang công tác trong quân đội. Cậu thứ hai Bùi Quang Chung sau khi tốt nghiệp Đại học Điều Dưỡng Nam Định đã được Nhà nước cử đi tu nghiệp sinh tại Đức, tiếp đó là Bùi Văn Thành cũng đã tốt nghiệp Đại học bách Khoa, hiện đang công tác tại Trung tâm Viễn thông Quân đội Viettel, còn cậu em út Bùi Hữu Công hiện đang là sinh viên năm thứ 4 của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hiện gia đình ông đang vay của Nhà nước 98 triệu đồng cho 3 cháu sau đi học. Ông Quân phấn khởi chia sẻ: “Hạnh phúc nhất của gia đình tôi là các cháu đều chăm ngoan học giỏi và ra trường thành tài. Các con tôi được như ngày hôm nay là nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên của Chính phủ. Hiện các cháu đang đi làm và cùng gia đình tích cóp để trả nợ”.

Để đồng vốn phát huy hiệu quả

Nhận định về hiệu quả của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định, Pham Văn Thiêm cho biết: “Đây là một chương trình có tính nhân văn sâu sắc, tác động mạnh đến công tác an sinh xã hội, tạo cho thế hệ trẻ có điều kiện để học tập, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Sau hơn 6 năm thực hiện, thông qua 3782 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đã có hơn 58.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Nam Định được tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ đến nay đạt trên 1.064 tỷ đồng”.

Tiếp lời ông Thiêm, ông Lưu Văn Hưng - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Giao Thủy cũng chia sẻ về cách làm hiệu quả của đơn vị mình: Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là một chương trình có đối tượng vay rộng, số lượng khách hàng vay lớn với những món vay nhỏ, lại thường tập trung vào đầu mỗi kỳ học, nên ngoài những ngày giao dịch cố định, đơn vị còn bố trí thêm các Tổ giao dịch để giải ngân nhanh nguồn vốn, cố gắng “không để bất kỳ một sinh viên nghèo nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí“.

Bên cạnh việc thực hiện công khai, dân chủ trong quy trình xét chọn đối tượng vay, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để khắc phục, NHCSXH tỉnh Nam Định đã triển khai kịp thời, tổ chức thu lãi hằng tháng đối với các hộ gia đình có điều kiện, tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn. Nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn còn họp và thông báo trước đó 3 tháng đối với hộ vay sắp đến kỳ trả lãi, trả nợ, nhằm tạo ý thức trả nợ dần cũng như giảm áp lực trả nợ cho người vay khi đến hạn. Đồng thời, ngân hàng cũng đã thực hiện chính sách giảm lãi 50% cho các hộ vay trả nợ trước hạn.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong công tác thu nợ, thu lãi của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Thực tế hiện nay cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều sinh viên sau khi ra trường nhưng vẫn chưa có việc làm, gia đình còn gặp khó khăn về kinh tế nên chưa trả được nợ khi đến hạn. Điều này gây nên những khó khăn nhất định cho phía NHCSXH trong công tác thu nợ, thu lãi.

Để Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, các hộ gia đình ở Nam Định đề nghị Chính phủ nâng mức cho vay phù hợp với biến động của giá cả thị trường để học sinh, sinh viên có đủ tiền trang trải chi phí học tập, theo đuổi ước mơ đến giảng đường đại học.

Bài và ảnh Trần Thùy Trang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác