Chương trình cho vay đặc thù ở TP. Đà Nẵng: Đem lại nhiều niềm vui

02/06/2014
(VBSP News) Bên cạnh các chương trình tín dụng đang thực hiện theo quy định chung, những năm qua, bằng nội lực của chính quyền địa phương, cùng sự tham mưu tích cực của NHCSXH TP. Đà Nẵng và các Sở, ban ngành có liên quan, UBND thành phố và các quận, huyện đã ủy thác qua NHCSXH để cho vay các đối tượng “đặc thù” của thành phố. Từ nguồn vốn ủy thác này, chi nhánh đã tích cực triển khai 6 chương trình cho vay mang tính đặc thù, góp phần giúp nhiều gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Untitled-4

Những điểm sáng

Trung tâm hướng nghiệp sản xuất kinh doanh mây tre VPP thuộc Hội Người mù TP. Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 3866/QĐ-UB ngày 20/10/1997 của UBND TP. Đà Nẵng, với chức năng dạy nghề và giải quyết việc làm cho người tàn tật trên địa bàn. Trải qua hơn 15 năm hoạt động, Trung tâm đã tổ chức được 20 lớp dạy nghề cho 953 lượt học viên với tổng kinh phí 1,153 tỷ đồng; tổ chức sản xuất và tạo việc làm thường xuyên cho 55 lao động, trong đó có 19 người khuyết tật với mức thu nhập bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, đề duy trì được hoạt động này, Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. “Chúng tôi đã gõ cửa nhiều Ngân hàng thương mại nhưng không tiếp cận được nguồn vốn vay mặc dù có tài sản bảo đảm. Rất may là trong lúc khó khăn, Trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ của NHCSXH”, ông Trần Viết Linh - Giám đốc Trung tâm, cho biết.

Năm 2010, Ban quản lý Trung tâm đã mạnh dạn xây dựng dự án, vay vốn từ NHCSXH để đầu tư dây chuyền sản xuất tăm tre nhọn đầu. Dự án đi vào sản xuất với công suất 10.000kg tăm/tháng, giải quyết việc làm cho 15 lao động, giúp Trung tâm có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên toàn miền Trung và Tây Nguyên.

Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã được vay từ Chương trình Quốc gia hỗ trợ việc làm thông qua NHCSXH TP. Đà Nẵng 3 dự án với dự án đầu tiên năm 2008 là 200 triệu đồng; với số vốn được vay, công ty đã tạo việc làm cho khoảng 30 lao động (chủ yếu là người khuyết tật). Sau khi trả nợ và lãi đầy đủ Trung tâm tiếp tục được NHCSXH cho vay dự án mở rộng kinh doanh tăm tre và các mặt hàng làm từ tre nứa với số tiền 260 triệu đồng, nhờ đồng vốn này Trung tâm đã chuyển sang mô hình Công ty TNHH Danatre với quy mô lớn hơn. Qua nhiều năm làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho số lượng lớn lao động, trả nợ và lãi đầy đủ và đúng hạn cho ngân hàng.

Năm 2013, Công ty Danatre tiếp tục được sự quan tâm của NHCSXH cho vay nguồn vốn 1 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đây là nguổn vốn từ dự án Nippon “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật”, dự án đầu tiên và duy nhất thực hiện tại TP. Đà Nẵng. Bản thân ông Trần Viết Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty, là người khiếm thị, do đó được NHCSXH cho vay mức tối đa của dự án này.

Hợp tác xã (HTX) Kim Thanh là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh các loại nấm. Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH TP. Đà Nẵng với tổng số tiền 300 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm. HTX đã có cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Hiện, HTX giải quyết việc làm cho 37 xã viên với mức lương bình quân gần 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Sau khi tham quan cơ sở sản xuất nấm cũng như nắm bắt tình hình hoạt động của HTX. NHCSXH thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất 0,65%/tháng. Trong bối cảnh việc vay vốn các ngân hàng thương mại còn nhiều trở ngại thì đồng vốn của NHCSXH đã trở thành nguồn lực giúp chúng tôi mở rộng sản xuẩt, từ đó tạo thêm việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn”.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH TP. Đà Nẵng với số tiền 200 triệu đồng, bà Trần Thị Kim Loan ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hoà Vang đã có điều kiện mở rộng diện tích trang trại lên 10ha, chủ yếu trồng bạch đàn (7ha) nuôi 110 con dê, 10 con bò và đào hồ nuôi cá…, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Những điển hình thoát nghèo, làm giàu từ nguồn vốn của NHCSXH trên địa bàn TP. Đà Nẵng không phải là hiếm, các chương trình cho vay đặc thù của ngân hàng với nguồn vốn đủ lớn đã giúp nhiều gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Tính đến hết tháng 4/2014, doanh số cho vay của NHCSXH TP. Đà Nẵng là trên 45,33 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt gần 1.128 tỷ đồng với 80.416 khách hàng còn dư nợ.

Tiếp tục triển khai các chương trình cho vay đặc thù

“Trong 10 năm (2003 - 2013), NHCSXH TP. Đà Nẵng đã giải ngân 1.816 tỷ đồng cho 202.175 lượt hộ vay vốn. Trong đó có 127.389 lượt hộ nghèo; 53.324 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm cho 61.800 lượt lao động; 8.637 hộ vay vốn để đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng 6.229 công trình nước sạch, 6.194 công trình vệ sinh…

Chi nhánh đã góp phần giúp 59.321 lượt hộ thoát nghèo, 13.949 hộ nghèo cải thiện được đời sống; 13.207 hộ nghèo đã chuyển biến nhận thức và cách làm ăn…”.

Hiện, NHCSXH TP. Đà Nẵng đang triển khai 6 chương trình cho vay đặc thù, với số dư nợ tương đối lớn, trong đó cho vay giải quyết việc làm đối với hộ thuộc diện thu hồi đất sản xuất, di dời giải tỏa là chương trình cho vay đặc thù nhất của TP. Đà Nẵng được thực hiện từ năm 2006 theo Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 18/9/2006 của UBND thành phố. Theo đó, hằng năm, UBND thành phố chuyển vốn ủy thác sang cho NHCSXH để cho vay đối với các đối tượng bị thu hồi đất sản xuất, di dời giải tỏa. Tính đến hết tháng 4/2014, tổng số vốn thành phố chuyển sang NHCSXH để cho vay đối với đối tượng này là 36,7 tỷ đồng. Trong tháng 5/2014, UBND thành phố tiếp tục quan tâm chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH 5 tỷ đồng để cho vay chương trình này nhằm ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho các gia đình bị giải tỏa, mất đất sản xuất. Hiện, có 2.022 hộ đang còn dư nợ chương trình này với số tiền 35,2 tỷ đồng, nợ quá hạn khá thấp, chỉ có 0,6% (213 triệu đồng).

Cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại 2 xã Hòa Liên, Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang được thực hiện theo Quyết định số 9728/QĐ-UBND ngày 12/11/2011 cũng là chương trình tín dụng đặc thù của NHCSXH TP. Đà Nẵng được đánh giá khá thành công. Theo đó, số vốn do ngân sách thành phố chuyển sang để cho vay đối tượng này là 600 triệu đồng. Hiện, có 22 khách hàng là thương nhân đang được vay từ nguồn vốn này với dư nợ 600 triệu đồng.

Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang (thực hiện theo Quyết định 9728/QĐ-UBND ngày 12/11/2011) cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Nguồn vốn do UBND thành phố chuyển qua để cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã trên là 1 tỷ đồng, với lãi suất 0% trong 3 năm. Hiện, đang có 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay nguồn vốn này để phát triển sản xuất, dư nợ đến thời điểm này là 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, NHCSXH thành phố còn triển khai cho vay đối với những hộ đặc biệt nghèo còn sức lao động theo Quyết định 1583/QĐ-UBND ngày 15/3/2014 của UBND TP. Đà Nẵng. Theo khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, số hộ đặc biệt nghèo còn sức lao động có nhu cầu vay vốn là 932 hộ với số tiền gần 23,85 tỷ đồng, trong đó 269 hộ theo chuẩn nghèo Trung ương với số tiền trên 7,5 tỷ đồng. Đến nay, UBND TP. Đà Nẵng đã chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH đợt 1 là 5 tỷ đổng để cho vay đối với các đối tượng này.

Cho vay đối với cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn vốn ngân sách UBND thành phố và UBND quận, huyện ủy thác là chương trình cho vay đặc thù nhận được sự hưởng ứng từ đội ngũ công chức TP. Đà Nẵng (chương trình được thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 5756/ QĐ-UBND ngày 18/7/2012). Hiện, tổng nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay đối với đối tượng này là 10,612 tỷ đồng, đã có 338 cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, dư nợ 10,36 tỷ đồng.

Cho vay dự án mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật và các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng phục vụ hoặc do người khuyết tật làm chủ (Nippon) là dự án đầu tiên và duy nhất được thực hiện tại TP. Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thu hút lao động là người khuyết tật và người vay vốn là người khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn được Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ trong 3 năm với tổng trị giá 10 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2013. Đến nay, Quỹ Nippon đã thực hiện chuyển nguồn cho NHCSXH năm thứ nhất 3,125 tỷ đồng và ngân hàng đã thực hiện giải ngân hết số vốn trên cho 38 khách hàng, trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 hộ sản xuất kinh doanh và 34 hộ gia đình.

Những chương trình cho vay đặc thù đã góp phần đáp ứng nhu cầu vốn của nhiều đối tượng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng nên có sức lan tỏa lớn.

Nguyên Lan

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác