Mặt trận của những người cầm bút

03/06/2014
(VBSP News) Mỗi hội viên Liên chi hội báo Ngân hàng phải là một chiến sĩ trong công tác thông tin và truyền thông của ngành.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Đến dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Liên chi hội nhà báo Ngân hàng (LCH) lần thứ II, tổ chức trong 2 ngày cuối tháng 5/2014) tại TP. Hải Phòng, đồng chí Đào Minh Tú, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN, Thủ trưởng hành chính cơ quan NHTW thẳng thắn chia sẻ: Có thể nói, ngành Ngân hàng luôn được đặt lên vị trí nóng dù trong thời điểm nền kinh tế thuận lợi hay có khó khăn. Công tác thông tin truyền thông đối với ngành Ngân hàng là vô cùng quan trọng, được xác định là 1 trong 4 công tác chỉ đạo trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ.

Tại các cuộc họp giao ban của Ban lãnh đạo NHNN hàng tuần, việc nắm bắt dư luận và công tác truyền thông của Ngành luôn được Ban lãnh đạo theo dõi và chỉ đạo sát sao. Chính vì vậy, nhiệm vụ của những người làm công tác thông tin truyền thông càng nặng nề hơn bao giờ hết. Mỗi hội viên LCH phải là một chiến sĩ trong công tác thông tin và truyền thông của ngành, phải làm cho chủ trương, chính sách của ngành đi vào nền kinh tế, chiếm vị trí chủ đạo trong luồng dư luận xã hội. Muốn như vậy, mọi sản phẩm báo chí của ngành ở các thể loại: báo in, báo điện tử, tạp chí chuyên ngành, tờ thông tin thuộc các đơn vị trong ngành… phải được thể hiện hấp dẫn, bổ ích và theo sát nhu cầu của bạn đọc, được bạn đọc tìm đến.

Khái niệm thông tin truyền thông những năm gần đây đã thay đổi khá nhiều. Nếu như trước đây, các kênh truyền thông được hiểu bao gồm các cơ quan báo chí chính thống gồm truyền hình, phát thanh, báo in, tạp chí… thì gần đây có thêm các phương tiện báo điện tử tích hợp với các loại hình phát thanh, clip.

Sự bùng nổ của các trang blog, mạng xã hội, chia sẻ trực tuyến khiến khái niệm truyền thông mở rộng thêm… xuất hiện thêm nghề mới với sức mạnh ảo và một mức thu nhập khiến không ít người “thèm khát” mà thế giới gọi là online seeder (dư luận viên), blogger. Công việc của họ là đưa ra các bình luận trên các trang mạng xã hội với những lý lẽ và dẫn chứng để thuyết phục cộng đồng mạng đi theo hướng suy luận, phân tích của mình, thường là có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới cơ quan, tổ chức, đơn vị hay cá nhân nào đó theo những mục đích cụ thể.

Hiện nay tại Việt Nam có một số trang blog có lượng người truy cập lên đến hàng triệu người và tác động không nhỏ đến dư luận xã hội. Những hội viên thuộc LCH cũng luôn phải tuân theo xu thế của thời đại, đồng thời phải hướng dư luận xã hội tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như sự tác động của NHNN vào nền kinh tế hiện nay.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Tại Đại hội nhiệm kỳ II, những vấn đề cụ thể trong công tác thông tin trong thời đại hiện nay cũng được Ban tổ chức đưa ra để thảo luận.

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan - Trưởng phòng tuyên truyền của Văn phòng NHNN chia sẻ, những người làm trong lĩnh vực truyền thông hiện nay phản ứng khá nhanh nhạy và nắm bắt thời cơ của mình để mở rộng hơn nữa các kênh truyền thông của mình. Các chương trình truyền thông chi tiết hơn, chuyên nghiệp hơn và nhạy bén hơn, tiếp cận đúng và trúng các đối tượng mục tiêu. Các tổ chức, cá nhân cũng có những thay đổi rất nhanh và trang bị thêm rất nhiều nguồn lực để có thể trực tiếp sử dụng các công cụ truyền thông để tác động vào dư luận xã hội theo hướng mà họ mong muốn.

Thông điệp của truyền thông đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, từ trình độ thấp đến trình độ cao. Ban đầu chỉ là đơn thuần truyền đi những thông tin về sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh của tổ chức, cơ quan và cá nhân, sau đó hướng dần đến những lợi ích của công chúng đối với các thông tin mà giới truyền thông cung cấp. Và đến giai đoạn hiện nay, truyền thông đã đạt đến mức cao hơn, đó là không chỉ phát đi những nội dung về các tổ chức, cơ quan, cá nhân đó, mà còn hướng công chúng tiếp nhận các thông tin trên gắn với những vấn đề của con người, những vấn đề toàn cầu, cân bằng giữa lợi ích với trách nhiệm hướng tới cộng đồng. Ở mức cao nhất, truyền thông có khả năng thay đổi tâm lý, thói quen rồi đến thay đổi hành động của con người.

Nhưng quan trọng hơn là nghiệp vụ xử lý khủng hoảng truyền thông ngày càng chuyên nghiệp hơn, toàn diện hơn. Đã có những nơi cho ra đời dịch vụ xóa dấu vết bằng cách thu mua toàn bộ ấn phẩm báo chí, xuất bản ở các sạp báo, cửa hàng sách ngay khi những ấn phẩm đó vừa phát hành chỉ sau một vài giờ đồng hồ; hoặc nhấn chìm link của các bài báo gây bất lợi, đẩy và nhúng link những bài viết có lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân để làm đẹp thêm cho hình ảnh của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

“Những giải pháp phòng chống, kiểm soát những rủi ro thông tin bằng sự kết hợp giữa công nghệ và sức mạnh báo chí, các mối quan hệ thân tín giúp cho các cơ quan, đơn vị và cá nhân giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra khủng hoảng truyền thông”, bà Lan cho biết thêm.

Trong bối cảnh trên, trong Nhiệm kỳ I (2009 - 2014), LCH đã có những hoạt động và đóng góp nhất định: Tổ chức cho các chi hội tham gia chương trình sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, tham gia Giải báo chí Quốc gia, chương trình tập huấn nghiệp vụ báo chí và chuyên ngành Ngân hàng cho các hội viên, chương trình đổi mới cách làm báo chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng ấn phẩm báo chí ngành; tham gia các Hội báo xuân hàng năm… LCH cũng được tiếp tục củng cố, xây dựng với việc thường xuyên rà soát, nâng cao số lượng và chất lượng hội viên ở các chi hội. Chỉ đạo các chi hội tích cực giáo dục đạo đức, tác phong, chuẩn mực người làm báo.

Ban chấp hành LCH rất quan tâm chỉ đạo, ủng hộ, động viên hội viên, các chi hội tham gia những chương trình an sinh xã hội, phong trào văn hoá, thể thao… hàng năm do ngành, Hội Nhà báo Việt Nam và LCH, các chi hội tổ chức.

“Đặc biệt, LCH luôn theo sát diễn biến tình hình của nền kinh tế, đưa thông tin là những nhận định, chủ trương đúng đắn của NHNN nhằm ổn định thị trường, tạo lòng tin cho người dân kịp thời đến các độc giả”, bà Nguyễn Lan Anh, Chủ tịch LCH - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng báo cáo tại Hội nghị.

Phát biểu trong tham luận, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng nêu rõ, báo chí là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng - một trong những lĩnh vực nhạy cảm của đời sống kinh tế - xã hội, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể được tích lũy và lây lan nhanh, chúng ta cần phải đặc biệt phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng.

Trong 3 năm qua, LCH Nhà báo Ngân hàng tích cực tham gia giải báo chí Quốc gia. Đặc biệt, năm 2011 chi hội Thời báo Ngân hàng có 1 tác phẩm đạt giải khuyến khích và 1 tác phẩm vào vòng chung khảo. Năm 2012 có 1 tác phẩm đạt giải C và 1 tác phẩm đạt giải khuyến khích. Năm 2013 có 3 chùm bài đang gửi tham dự giải (hiện Hội Nhà báo Việt Nam chấm)”.

Đồng hành với sự phát triển mạnh mẽ và quá trình tái cơ cấu của Ngành, thời gian qua, hoạt động báo chí của LCH đã chuyển tải đầy đủ, kịp thời các chủ trương của  NHNN, những chuyển biến tích cực tái cơ cấu về tổ chức và hoạt động của các TCTD, góp phần định hướng dư luận, hạn chế những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của Ngành.

Đồng thời, thông qua hoạt động báo chí, các chủ trương điều hành, chính sách của NHNN đã kịp thời đi vào cuộc sống, nhiều thương hiệu ngân hàng lớn đã được quảng bá rộng rãi và được khẳng định ở trong và ngoài nước; năng lực và trình độ của các TCTD từng bước được nâng cao, tiệm cận dần với chuẩn mực, thông lệ quốc tế; hoạt động của hệ thống ngân hàng ổn định và phát triển, góp phần tích cực kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, trước xu hướng biến động nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội, sự phát triển mạnh mẽ, đa kênh, đa phương tiện của lĩnh vực truyền thông; trước nhiều khó khăn, thách thức trong lộ trình tái cơ cấu Ngành, đội ngũ những người làm báo ngành Ngân hàng sẽ phải nỗ lực vượt qua những thách thức cùng với sự ủng hộ, tạo điều kiện rất thuận lợi của lãnh đạo Ngành hiện nay để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình - Đó là nội dung của sự đồng lòng và ý chí của các hội viên LCH tại Đại hội nhiệm kỳ II vừa qua.

Bà Hà Kim Chi, Ủy viên BTV - Trưởng ban kiểm tra TW Hội nhà báo Việt Nam trao cờ thi đua cho tập thể xuất sắc

Bà Hà Kim Chi, Ủy viên BTV - Trưởng ban kiểm tra TW Hội nhà báo Việt Nam trao cờ thi đua cho tập thể xuất sắc

Ông Tạ Việt Anh, Ủy viên BCH Hội nhà báo Việt Nam và bà Hà Kim Chi trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân đã có đóng góp vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Ông Tạ Việt Anh, Ủy viên BCH Hội nhà báo Việt Nam và bà Hà Kim Chi trao tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân đã có đóng góp vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tặng hoa cho các cá nhân trong BCH Liên chi hội khóa I đã nghỉ hưu

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tặng hoa cho các cá nhân trong BCH Liên chi hội khóa I đã nghỉ hưu

Phó Thống đốc Đào Minh Tú bỏ phiếu bầu BCH Liên chi hội khóa II

Phó Thống đốc Đào Minh Tú bỏ phiếu bầu BCH Liên chi hội khóa II

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tặng hoa cho BCH Liên chi hội khóa II

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tặng hoa cho BCH Liên chi hội khóa II

Nhóm phóng viên TBNH

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác