Tổ tiết kiệm và vay vốn - “cánh tay” nối dài của NHCSXH

05/06/2014
(VBSP News) Hiện, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã thành lập được 9.656 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, xóm, khu phố ở tất cả 637 xã, phường, thị trấn. Mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ là kênh dẫn vốn xuống tận cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp, tiện lợi nhất mà còn giúp các hộ vay vốn sử dụng hiệu quả, nâng cao ý thức tiết kiệm, đồng thời giúp NHCSXH tỉnh tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.
Được vay vốn ưu đãi, gia đình chị Ngô Thị Hoàng ở thôn Bái Tôm, xã Điền Quang, huyện Bá Thước đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả

Được vay vốn ưu đãi, gia đình chị Ngô Thị Hoàng ở thôn Bái Tôm,
xã Điền Quang, huyện Bá Thước đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả

Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng đúng lịch giao dịch cố định hằng tháng, cán bộ, nhân viên NHCSXH huyện Cẩm Thủy vẫn làm việc. Họ về các xã giải ngân vốn vay, thu nợ, lãi, tiền tiết kiệm trực tiếp tới người thụ hưởng và tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi, triển khai công việc trong tháng, hướng dẫn nghiệp vụ phát sinh cho cán bộ, thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trên đường đến các Điểm giao dịch xã, trong câu chuyện thân mật với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Giang - Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Thủy, tâm sự: Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Toàn huyện hiện có hơn 13 nghìn hộ nghèo và các hộ thuộc đối tượng chính sách khác đang vay với số vốn hơn 250 tỷ đồng. Để đảm đương nhiệm vụ, tất cả cán bộ từ lãnh đạo đến nhân viên đều biết làm nhiều việc, kiêm nhiệm nhiều mảng nghiệp vụ, không phân biệt vị trí công tác. Dẫu vậy, nếu không có các Tổ tiết kiệm và vay vốn thì chúng tôi khó mà hoạt động tốt được. Tổ tiết kiệm và vay vốn tập hợp các hộ vay vốn cùng sinh sống ở khu vực dân cư hoặc cùng tham gia một chi hội, đoàn thể, nên hơn ai hết chỉ có những thành viên và cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn mới biết rõ hoàn cảnh từng hộ dân sống cùng thôn, xóm để bình xét hộ vay vốn đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đồng thời thường xuyên giám sát, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và kịp thời thu lãi đúng hạn… Chính vì vậy, những năm qua, NHCSXH huyện Cẩm Thủy luôn chú trọng xây dựng, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và dựa vào cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể cơ sở để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách. Toàn huyện hiện có 325 Tổ tiết kiệm và vay vốn, phủ kín 100% các thôn, xóm trên địa bàn, tạo nên kênh dẫn vốn đến tận tay các hộ thụ hưởng nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả nhất.

Đến xã Cẩm Phong, rất đông bà con đã có mặt ở Điểm giao dịch xã để nhận vốn vay hoặc trả lãi, trả nợ. Chị Nguyễn Thị Thống - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân thôn Nghĩa Dũng, cho biết: Các hội viên nghèo đều làm nông nghiệp lúc đầu thường không dám vay vì sợ không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Sau khi được Ban quản lý Tổ tư vấn, hướng dẫn, giải thích, các hộ hiểu được những lợi ích thiết thực mà nguồn vốn vay ưu đãi mang lại, nên tích cực tham gia các hoạt động của Tổ, cùng nhau giúp đỡ các thành viên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên nông dân nghèo có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, chuyển đổi ngành nghề… góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, trước đây các hộ dân phát triển kinh tế tự phát, hiệu quả kinh tế không cao. Khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ đã được phổ biến thêm kiến thức xã hội, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất để ứng dụng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Tổ tiết kiệm và vay vốn còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ trên tinh thần tự nguyện vừa hình thành thói quen tiết kiệm cho hộ vay vốn, giảm bớt khó khăn khi trả nợ, vừa bổ sung vào nguồn vốn cho vay hỗ trợ thành viên khó khăn trong tổ làm ăn, giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách có thêm cơ hội được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 9.656 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn cho vay thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn hiện nay đạt hơn 6.500 tỷ đồng, bằng hơn 92% tổng dư nợ. Mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ tạo nên kênh dẫn vốn tín dụng chính sách tới tận cơ sở, từng hộ dân phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp, tiện lợi và hiệu quả nhất mà còn giúp các hộ vay vốn sử dụng vốn hiệu quả hơn, nâng cao ý thức tiết kiệm, đồng thời giúp hệ thống NHCSXH tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay. Ngoài ra, Ban quản lý các tổ còn thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của thành viên, kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc trong việc sử dụng vốn vay. Do vậy, nguồn vốn vay được quản lý chặt chẽ và người vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Việc trả lãi, nợ gốc đúng theo quy định của ngân hàng.

Thực tiễn những năm qua đã khẳng định, Tổ tiết kiệm và vay vốn là mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả của NHCSXH trong việc phối hợp với các hội, đoàn thể cùng chính quyền địa phương để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách chung.

Theo Báo Thanh Hóa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác