Vốn chính sách dựng xây cuộc sống mới
Với phương châm cho vay: “công khai, dân chủ, đúng địa chỉ, an toàn và hiệu quả” của NHCSXH huyện Lương Tài, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vùng đất trũng này đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, khả năng trả nợ tốt, thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình anh chị Trần Phúc Thao ở xã Trừng Xá, từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, dựng xây cơ ngơi khá giả. Năm 2010, được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, anh Thao đấu thầu 7.000m2 ruộng trũng cấy lúa một vụ năng suất thấp, quy hoạch cải tạo thành trang trại VAC. Công việc nuôi cá, thả ba ba và chăm sóc đàn lợn giống, lợn thịt thuận lợi, anh tiếp tục tăng đàn và mở rộng hệ thống chuồng trại, ao nuôi. Cuối năm 2013, anh đã trả hết nợ đúng kỳ hạn cho Nhà nước và có vốn tích luỹ đầu tư xây dựng thêm 3 dãy chuồng trại kiên cố. Cùng với đó, 4 sào đất vườn sau nhà anh ở luôn xanh tốt các loại rau, quả, đã làm tăng thu nhập hằng năm từ trang trại với 100 triệu đồng.
Không chỉ có gia đình anh Thao được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi thông qua Hội Nông dân thực hiện nhận ủy thác, còn nhiều hội viên nông dân, phụ nữ, CCB… khác ở huyện Lương Tài cũng đã được vay vốn chính sách thuận lợi để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất lúa chất lượng cao, trồng dưa xuất khẩu, mở mang ngành nghề, chăn nuôi theo mô hình trang trại… vươn lên làm giàu chính đáng. Đơn cử như chị Đỗ Thị The ở thôn Kim Thao, xã Lâm Thao. Năm 2009, gia đình chị The đã sử dụng toàn bộ vốn vay 30 triệu đồng vào việc thâm canh lúa kết hợp với trồng nấm, thả cá trắm cỏ, trắm đen. Hiện với 8 sào ao nuôi cá, 1,5 mẫu ruộng, mỗi năm gia đình chị thu trên 150 triệu đồng và 3 tấn thóc. Không chỉ vay vốn ưu đãi hộ nghèo, chị The còn được vay 70 triệu đồng từ Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên cho 3 người con theo học đại học. Chị The phấn khởi nói: “Nguồn vốn vay ưu đãi có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với gia đình tôi, nếu không có số tiền vay chẳng biết đến bao giờ cả nhà tôi thoát được nghèo và chăm lo cho các con học hành đến đầu đến đũa”.
Còn đối với gia đình chị Trần Thị Thư, thông qua Hội Phụ nữ xã Lâm Thao được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo tháng 6 năm 2013 về mua cặp bò sinh sản, vừa rồi xuất bán một con bê con thu được 18 triệu đồng. Hiện chị vừa nuôi bò sinh sản vừa nuôi lợn nái, trồng nấm. Cuộc sống đang mở ra hướng mới, cứ đà này chỉ trong nay mai gia đình chị Thu sẽ thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo, dành phần vốn chính sách cho người còn khó khăn hơn.
Bà Nguyễn Thị Thìn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lâm Thao cho biết: Hiện dư nợ của toàn xã hơn 16 tỷ đồng, trong đó Hội Phụ nữ quản lý 9,2 tỷ đồng cho gần 500 lượt hội viên vay vốn. Có thể nói, nguồn vốn ưu đãi đã và đang là trợ lực tác dụng nhất giúp người dân vùng đất trũng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Được biết, trên địa bàn huyện Lương Tài đã có 275 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 11 nghìn lượt hộ vay vốn ưu đãi tại 14 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Đây chính là kênh dẫn vốn hiệu quả góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đất trũng, thuần nông còn 5,1% năm 2013, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới sớm hoàn thành.
Bài và ảnh Việt Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » “Nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”
- » Tạo thuận lợi cho người nghèo vay vốn ưu đãi
- » Làm giàu từ vốn chính sách
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn - “cánh tay” nối dài của NHCSXH
- » Đồng vốn nhỏ giúp cuộc sống sung túc
- » Thoát hẳn cái nghèo nhờ cách làm hay ở Bình Dương
- » Chương trình vay “chuộc sổ” ở Hậu Giang
- » Mặt trận của những người cầm bút
- » Chương trình cho vay đặc thù ở TP. Đà Nẵng: Đem lại nhiều niềm vui