“Nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”

09/06/2014
(VBSP News) Đó là nhận xét của ông Phạm Văn Thiêm - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định sau gần 1 năm chi nhánh tích cực thực hiện Dự án hiện đại hóa tin học ngân hàng của NHCSXH.
Hiện đại hóa tin học giúp cán bộ ngân hàng rút ngắn thời gian giao dịch với mỗi khách hàng

Hiện đại hóa tin học giúp cán bộ ngân hàng rút ngắn thời gian giao dịch với mỗi khách hàng

Nam Định nằm ở phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Toàn tỉnh có 9 huyện và 1 thành phố (trực thuộc tỉnh). Không thuộc 6 đơn vị thí điểm giai đoạn đầu, Nam Định thuộc “top 2” của giai đoạn triển khai Dự án hiện đại hóa tin học của NHCSXH. Theo chị Trịnh Thúy Hoàn - Trưởng phòng tin học: Nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án là chương trình tin học phục vụ cho tín dụng của Chính phủ, dự án là “chìa khóa vàng” của tín dụng chính sách, lãnh đạo chi nhánh đã quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu.

Trước hết, chi nhánh thành lập Ban chỉ đạo dự án, do một Phó Giám đốc làm Trưởng ban cùng thành viên là Trưởng các Phòng chuyên môn nghiệp vụ, Giám đốc NHCSXH các huyện. Đặc điểm của phần mềm Intellect là áp dụng cho cả hệ thống kế toán và nghiệp vụ tín dụng. Vì vậy, cùng lúc chi nhánh phải tiến hành song song hai việc: vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, vừa đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tháng 3/2013, chi nhánh đã mở 4 lớp tập huấn đầu tiên, toàn thể cán bộ, viên chức làm công tác nghiệp vụ đều tham gia tập huấn đều đặn để trang bị kiến thức, kỹ năng thao tác. Cùng với nguồn nhân lực, hệ thống thiết bị tin học cũng được đầu tư nâng cấp, chi nhánh lắp đặt hệ thống máy chủ chuyên dụng và hoạt động Online 24/7, đảm bảo khả năng kết nối hệ thống. Đầu năm 2014, chi nhánh nâng cấp trang bị lần 2, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác giao dịch tại xã, bình quân mỗi huyện có 6 máy tính xách tay, riêng 2 huyện Hải Hậu và Ý Yên do dân đông, dư nợ lớn số máy xách tay được trang bị nhiều hơn.

“Giao Thủy là huyện vùng biển, có 22 xã. So với các huyện khác trong tỉnh là đơn vị xa nhất trung tâm thành phố Nam Định tới 45km. Tính đến hết tháng 4/2014 dư nợ đạt gần 260 tỷ đồng, xếp thứ 3 về dư nợ sau huyện Hải Hậu và Ý Yên. Phòng giao dịch huyện có 9 cán bộ, 100% có trình độ đại học, bình quân 1 cán bộ “cõng” 25 tỷ đồng dư nợ”.

Theo Phó Giám đốc Phạm Văn Thiêm, thời kỳ thực hiện công tác chuẩn hóa dữ liệu là quãng thời gian các cán bộ phải “đánh vật” với khối lượng công việc “đồ sộ”, vừa phải thực hiện các giao dịch hằng ngày, phục vụ nhu cầu khách hàng ở mức tốt nhất, đồng thời định kỳ đều đặn gửi dự liệu cũ được tổng hợp từ 10 đơn vị trên địa bàn tỉnh ra Trung ương, nhận thông báo lỗi và chỉnh sửa, việc đi sớm, về muộn là chuyện thường ngày.

Từ tháng 11/2013, Nam Định bắt đầu chuyển đổi, “phủ sóng” hiện đại hóa cùng Intellect Core Banking toàn bộ hệ thống. Qua gần 1 năm, vượt qua những ngày “khởi đầu nan”, đến nay việc thực hiện nghiệp vụ, mọi hoạt động đã đi vào nề nếp tại tất cả các đơn vị của chi nhánh, đảm bảo tốt yêu cầu giao dịch hằng ngày, không gặp sai sót, chậm trong giao dịch với khách hàng; hạch toán đầy đủ, chứng từ in kịp thời và sắp xếp theo đúng quy định. Giám đốc NHCSXH huyện Giao Thủy, Lưu Văn Hưng, nhận xét: “Đặc thù của NHCSXH là phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trực tiếp đưa vốn đến tân tay bà con ngay tại xã, phường (Điểm giao dịch), thì việc thao tác nghiệp vụ nhanh gọn, chính xác là yêu cầu số một đối với nhân viên ngân hàng khi làm việc trên hệ thống mới. Tác phong công nghiệp đẩy lùi lối làm việc hành chính để đữ liệu hoàn thành, khóa sổ cuối ngày và đóng POB đúng vào khung qui định - trước 18h hằng ngày, nhằm kịp chuyển dữ liệu về Trung ương”.

Một cán bộ tín dụng cho biết những năm trước việc chồng lên việc, cán bộ tín dụng “suốt ngày dài lại đêm thâu” bề bộn với những con số, những bản báo cáo. Từ ngày áp dụng phần mềm Intellect, mọi dữ liệu được cập nhật và nhanh chóng được xử lý trên hệ thống, vừa tiết kiệm được thời gian giao dịch, vừa giảm được cường độ lao động đối với cán bộ tín dụng, đồng thời có tác dụng cho công tác quản lý của lãnh đạo…

Đối với khách hàng, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ cơ sở HTX may Hoàng Mai, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, vui vẻ cho biết: Năm 2010, được NHCSXH huyện cho vay 80 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, đầu tư vào dây chuyền may công nghiệp. Năm 2012 trả hết nợ (gốc và lãi). Cuối năm 2013 được vay tiếp lần 2, cũng 80 triệu đồng, đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất. “Là khách hàng lâu năm của ngân hàng, nhưng chưa có lần nào vay vốn được giải ngân nhanh, thái độ cán bộ tín dụng vui vẻ, hòa nhã như đợt vay vừa rồi. Ước chừng thời gian giải ngân một món vay giảm quá nửa”, ông Đông chia sẻ một cách thành thật và cảm động.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác