Giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
“Tiếp sức” cho hộ cận nghèo
Trước đây, gia đình anh Phùng Văn Sử ở thôn Nghè 2, xã Tiên Nha, huyện Lục Nam thuộc diện hộ nghèo của xã. Được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, anh đã nỗ lực mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng vừa thoát khỏi diện nghèo, trả hết số tiền vay thì lại rơi vào cảnh thiếu vốn, gia đình đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Năm 2013, niềm vui đã đến với anh khi được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình cho vay hộ cận nghèo. Sau khi bàn bạc, vợ chồng đi mua 2 con trâu để vừa cho sinh sản, vừa đi cày thuê. Mới đây, gia đình đã bán một con nghé giá 15 triệu đồng. Đây là thành quả từ nguồn vốn vay ưu đãi, với đà này gia đình sẽ sớm đủ tiền trả ngân hàng.
Gia đình chị Hoàng Thị Sách ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang có chung niềm vui khi được vay vốn từ chương trình này. Chồng mất sớm, một mình chị Sách làm mấy sào ruộng nuôi hai con ăn học, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Biết chị thiếu vốn sản xuất, Hội Phụ nữ xã đã giới thiệu và xét cho vay 29 triệu đồng từ NHCSXH huyện Lạng Giang. Sau gần 1 năm sử dụng vốn vay để đầu tư cho chăn nuôi, trồng nấm, gia đình chị đã có thu nhập ổn định, mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống.
Theo NHCSXH tỉnh Bắc Giang, Chương trình cho vay hộ cận nghèo ngay từ khi mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Do NHCSXH có sẵn các Điểm giao dịch ở cấp xã nên khâu khảo sát, giải ngân cho vay rất thuận lợi. Hơn 1 năm qua, hệ thống NHCSXH đã giải ngân gần 280 tỷ đồng thuộc Chương trình cho vay hộ cận nghèo.
Hơn 10 nghìn hộ được vay vốn với mức từ 25 - 30 triệu đồng/ hộ. Thực hiện quyết định mới về nâng mức cho vay, từ tháng 6/2014, một số khách hàng được ngân hàng giải ngân cho vay 50 triệu đồng/hộ. Qua rà soát, các khách hàng đều sử dụng đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả.
Tạo tiền đề thoát nghèo bền vững
“Chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo của Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân, hỗ trợ họ ổn định cuộc sống, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững, giảm nguy cơ tái nghèo”, ông Phạm Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang cho biết. |
So với thời điểm Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực (tháng 4/2013), lãi suất Chương trình cho vay hộ cận nghèo hiện nay đã được điều chỉnh giảm nhiều lần, từ 10,14%/năm xuống còn 9,36%/năm, và mới đây là 8,64%/năm đã giúp người dân giảm chi phí lãi suất, phù hợp với diễn biến trên thị trường tiền tệ. Cùng đó, công tác triển khai cho vay được tiến hành chặt chẽ, bài bản nên đã mang lại kết quả rõ nét.
Giám đốc NHCSXH huyện Lục Nam, Nguyễn Việt Trung cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn chính sách, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, giám sát chặt chẽ trong quá trình giải ngân bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả. Ngoài việc phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách các hộ có nhu cầu về vốn, đơn vị cùng với các ban, ngành liên quan công khai chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng và danh sách các hộ được vay để người dân biết”.
Chị Lê Thị Ánh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang chia sẻ: các cán bộ hội cùng với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã rà soát từng trường hợp, bình xét công khai ở thôn, tổ, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sử dụng vốn vào những lĩnh vực ít rủi ro, có khả năng thu lợi nhuận.
Nguồn vốn vay đối với hộ cận nghèo thực sự có ý nghĩa. Tuy nhiên hiện nay, lượng vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Số liệu thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội cho thấy, hiện toàn tỉnh có hơn 31 nghìn hộ cận nghèo, trong đó số hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi mới chỉ chiếm khoảng 30%. Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Ngô Gia Quát, thời gian tới, cùng với việc kiến nghị bổ sung nguồn vốn vay đối với chương trình này, chi nhánh tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác cho vay, phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để giữ vững chất lượng tín dụng.
Để nguồn vốn ưu đãi tiếp tục phát huy hiệu quả rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, ngành địa phương trong việc hướng dẫn, tư vấn cho hộ cận nghèo về việc làm, dạy nghề, sử dụng vốn chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa hình đồng ruộng, đồi bãi và trình độ canh tác.
Bài và ảnh Hữu Hạnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » “Cuộc chiến” thoát nghèo tại vùng Tây Nguyên
- » Từ ngày 15/6/2014, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy được vay vốn chính sách
- » Lạng Giang tăng cường năng lực quản trị tín dụng chính sách
- » Bắc Ninh sau 1 năm cho vay hộ cận nghèo
- » Quản lý tốt nguồn vốn ủy thác
- » Làng quê ở vùng Đồng Tháp Mười có nước sạch
- » Giảm nghèo là thành tích nổi bật của Việt Nam
- » Vốn chính sách dựng xây cuộc sống mới
- » “Nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”