“Cuộc chiến” thoát nghèo tại vùng Tây Nguyên

14/06/2014
(VBSP News) Kể từ năm 2003, NHCSXH được thành lập và đi vào hoạt động đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tiếp cận tới hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong cả nước, đặc biệt đối với tỉnh biên giới, Kon Tum đã giúp rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn biết tận dụng nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần làm thay đổi bộ mặt buôn làng tại vùng Tây Nguyên.
Phát triển cây cà phê - cây chủ lực giúp người nghèo tại tỉnh Kon Tum tăng thu nhập, thoát hẳn cảnh nghèo khó

Phát triển cây cà phê - cây chủ lực giúp người nghèo tại tỉnh Kon Tum tăng thu nhập, thoát hẳn cảnh nghèo khó

Gia đình bà Y Liên trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã Đắk Môn, huyện Đắk Glei. Bởi gia cảnh đông con, thiếu vốn liếng, kiến thức làm ăn nên cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Được Hội Nông dân xã bảo lãnh, bà Y Liên vay được 20 triệu đồng vốn ưu đãi của Chính phủ và tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, vợ chồng bà không những “mở mang” về hiểu biết, mà còn chủ động dùng đồng vốn vay mua 1 con bò sinh sản, 5 con heo nái, 10 con gà mái để chăn nuôi. Cùng với đó, bà Y Liên còn mượn thêm tiền của bà con trong buôn làng trồng được 1ha cà phê, 2ha mỳ, 5 sào lúa nước… để có thêm thu nhập bình quân từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Nhờ cách làm này, cũng như sự tính toán có kế hoạch cụ thể, vì vậy, năm 2011 bà đã trả được nợ cho ngân hàng, còn tích lũy lưng vốn kha khá để thực hiện tái đầu tư trồng 2ha cao su tiểu điền trên diện tích đất trồng mỳ của gia đình theo Đề án hỗ trợ hộ nghèo phát triển vườn cây công nghiệp của tỉnh. “Đồng vốn ưu đãi của NHCSXH quý lắm, vì người dân tộc miền núi chúng tôi làm gì có tài sản mà thế chấp. Vậy mà tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn ở buôn làng, được Hội Nông dân bảo lãnh, NHCSXH đã giải quyết cho vay nhanh chóng thuận lợi. Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập tăng, thoát hẳn cảnh nghèo khó rồi đấy”, bà Y Liên chia sẻ.

Khác với hoàn ảnh của bà Y Liên, ông Hùnh Văn Thanh đã cùng vợ con rời bỏ quê hương nghèo khó ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) lên khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất mới thuộc thị trấn Đắk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy. Tại đây, ông Thanh được chính quyền, đoàn thể tận tình giúp đỡ cấp đất ở, đất sản xuất và được NHCSXH cho vay vốn hộ nghèo. Nhờ chí thú làm ăn, biết tính toán “lấy ngắn nuôi dài”, nên ông đã trồng được 5 sào hồ tiêu, 5 sào cây bời lời, 01ha cà phê và hơn 2ha trồng mỳ xen bắp lai… Bên cạnh đó, ông còn nuôi 4 con bò, 5 con heo nái và đàn gia cầm 100 con. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập từ nương rẫy, cây trồng, chuồng trại chăn nuôi ngót nghét 200 triệu đồng. Ông Thanh cũng vừa xây dựng ngôi nhà ngói 4 gian khang trang và đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn, trong đó có người con đầu lòng đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.

Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Không riêng gì bà Y Liên, ông Huỳnh Văn Thanh, những năm qua đã có hàng chục nghìn hộ nông dân khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum được sự “tiếp sức” của NHCSXH mà vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Ông Ao Thành Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum, cho biết: nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo khó ở vùng miền núi dân tộc Kon Tum chúng tôi là do đông con, tập quán canh tác lac hậu, không biết cách thức làm ăn, nhất là thiếu vốn trầm trọng. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là vô cùng quan trọng, cần thiết nhằm phục vụ sản xuất và đời sống để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo ở địa phương.

Được biết, để góp phần đạt được kết quả trên, NHCSXH tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp về tổ chức và quản lý nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả của từng chương trình tín dụng. Thực hiện nghiêm túc công tác cải cách thủ tục hành chính, thủ tục cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… được cải tiến đơn giản, giảm giấy tờ và sự rườm rà, phiền hà. Công tác phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện uỷ thác cũng được coi trọng để đồng vốn được giải ngân đúng đối tượng, đồng thời tạo điều kiện cho NHCSXH tư vấn, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Bài và ảnh Trần Tự Nhiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác