Có thêm nguồn tín dụng cho nông hộ

14/11/2014
(VBSP News) Trong bối cảnh này, một số cách thức cung ứng vốn nông hộ của các thiết chế tài chính và TCTD đặc thù tỏ ra phù hợp và đang được nhân rộng. Đáng ghi nhận nhất là cách thức cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và một số Quỹ tài chính do các tổ chức nước ngoài tài trợ.

(ảnh) Có thêm nguồn tín dụng cho nông hộ

Hầu hết các địa phương đang tập trung vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho sản phẩm nông sản. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp như một nhu cầu tất yếu, buộc các địa phương phải tập trung thay đổi phương thức sản xuất. Truyền thống sản xuất nhỏ lẻ, manh mún không còn chỗ đứng và đang được thay thế bằng các mô hình sản xuất hàng hóa lớn có sự tích tụ ruộng đất và liên kết khép kín giữa doanh nghiệp và nhiều hộ dân.

Những tổng kết của ngành Ngân hàng mới đây cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2014 tổng dư nợ của các TCTD ở vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa như ĐBSCL tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm năm 2010, đạt gần 332.600 tỷ đồng, chiếm 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, có đến 80% nguồn vốn cho vay của các NHTM tập trung vào doanh nghiệp ngành Nông nghiệp có tham gia các mô hình sản xuất lớn theo quy trình khép kín và cho vay vào các dự án trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng.

Xu hướng này của ngành Ngân hàng được nhiều địa phương đánh giá cao vì đã đưa vốn thẳng vào những điểm nghẽn đang cần tháo gỡ trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhưng, khi nguồn lực tập trung cho mô hình trong chuỗi quy mô lớn thì nguồn vốn của các NHTM dành cho nông hộ nhỏ lẻ bị hao hụt đáng kể. Một số lượng lớn hộ nông dân chưa có điều kiện tham gia các mô hình liên kết sản xuất vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Trong bối cảnh này, một số cách thức cung ứng vốn nông hộ của các thiết chế tài chính và TCTD đặc thù tỏ ra phù hợp và đang được nhân rộng. Đáng ghi nhận nhất là cách thức cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và một số quỹ tài chính do các tổ chức nước ngoài tài trợ.

Tính đến thời điểm giữa năm 2014, nhờ phối hợp tốt với NHCSXH nguồn vốn của Quỹ quốc gia trên đã giải ngân được hơn 70.000 tỷ đồng với hàng triệu hộ dân vay vốn. Do có hệ thống “chân rết” rộng khắp và sát thực tiễn, hoạt động sản xuất của từng hộ nông dân, NHCSXH đã cung ứng vốn liên tục thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh, khiến hệ số sử dụng vốn và tỷ lệ giải ngân liên tục tăng lên, trong khi các dự án kém hiệu quả, không thu được nợ ngày càng giảm. Chỉ tính riêng việc cung ứng vốn qua kênh Hội Nông dân Việt Nam, đến thời điểm tháng 6/2014 đã có hơn 41.800 tỷ đồng được giải ngân. Trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm khoảng 0,56%.

Trong khi đó, tại Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay đang phát triển một hình thức cho vay nông hộ cực kỳ hiệu quả thông qua nguồn vốn tài trợ của Quỹ hợp tác phát triển của Bỉ. PGS; TS. Mai Thành Phụng - Trưởng Bộ phận phía Nam của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay, hiện đã có khoảng 13.000 hộ dân ở khu vực ĐBSCL tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ này.

Cách thức cho vay của Quỹ được tổ chức theo nhóm. Theo đó, mỗi nhóm gồm 5 hộ dân, mỗi hộ sẽ chọn 1 dự án kinh doanh sau đó thuyết phục 4 hộ còn lại thấy được khả năng, tính hiệu quả, khả thi của dự án. Khi đã thống nhất, cả nhóm sẽ được cấp vốn. Trong quá trình vay vốn và triển khai dự án, ngoài cán bộ theo dõi quỹ, 5 hộ này sẽ tự kiểm soát, kiểm định lẫn nhau để sao cho nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Chu kỳ cho vay trong 10 tháng với lãi suất 2%/10 tháng. Sau khi đáo hạn, nếu hộ nông dân nào thanh toán đầy đủ, kịp thời và sản xuất có hiệu quả, quỹ sẽ tăng nguồn vốn được vay của chu kỳ sau lên 50%.

Với cách làm trên, tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã phát triển khoảng 6 nhóm vay với 30 hộ tham gia. Hầu hết các huyện tại Long An mô hình cho vay theo hình thức này đã phát triển mạnh và tạo được sự hấp dẫn đối với người dân.

Thiết nghĩ, trong một giai đoạn chuyển dần từ kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ sang kinh tế hàng hóa sản xuất lớn như hiện nay, những cách làm sáng tạo của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và Quỹ hợp tác phát triển rất đáng được các địa phương nghiên cứu, nhân rộng.

Thạch Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác