Cần thêm cú hích cho hộ mới thoát nghèo

10/11/2014
(VBSP News) Theo quy định hiện hành, hộ mới thoát nghèo không được vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Cũng giống như hộ cận nghèo, nhóm hộ này cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các Ngân hàng thương mại, trong khi họ rất cần vốn để đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, hộ mới thoát nghèo hiện đang “bơ vơ” không biết vay vốn ở đâu?
Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Quảng Ngãi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nguồn: VBSP News

Những năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Quảng Ngãi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần

Nhu cầu lớn

Hiện nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt gần 137.000 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng tín dụng 8% - 10%/năm, cộng với lượng vốn thu nợ để quay vòng, NHCSXH bảo đảm đủ vốn để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trọng điểm của Chính phủ trong thời gian tới. NHCSXH sẵn sàng phục vụ các hộ mới thoát nghèo ngay sau khi Dự thảo này được phê duyệt và có hiệu lực.

Trung bình tỷ lệ giảm nghèo của cả nước khoảng 2%/năm, ước tính mỗi năm có hàng trăm nghìn hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ này với hộ nghèo, hộ cận nghèo là không đáng kể. Hộ mới thoát nghèo đa số sống ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh hay gia đình có người bệnh tật là lại tái nghèo.

Ông Trương Đình Đức - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Nhờ đẩy mạnh các chương trình giảm nghèo, chính sách đặc thù đối với huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể và nỗ lực vươn lên của người nghèo, từ năm 2011 - 2013, trên địa bàn tỉnh có 33.448 hộ thoát nghèo, nhưng lại có 8.030 hộ nghèo mới phát sinh; thực tế chỉ giảm được 25.418 hộ nghèo. Tính đến thời điểm 31/12/2013, Quảng Ngãi còn 49.616 hộ nghèo, chiếm 14,93%. Riêng 6 huyện miền núi còn 24.018 hộ nghèo, chiếm 41,57% so với tổng hộ nghèo toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 3%/năm, khu vực miền núi giảm bình quân 6,43%/năm. Hộ nghèo của tỉnh chủ yếu phân bổ ở khu vực nông thôn, chiếm 92,65% (69.520/75.034) tổng số hộ nghèo. Trong đó có 30.902 hộ là người dân tộc thiểu số, chiếm 41,18%.

Ông Đức cho rằng, trong thời gian qua, mục tiêu giảm nghèo bền vững và chính sách chưa đi đôi với nhau. Chưa có chính sách hỗ trợ tiếp cho những hộ mới thoát nghèo về vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, y tế, giáo dục, pháp lý, nhà ở… Điều này khiến nhóm hộ mới thoát nghèo dễ tái nghèo, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, việc cắt các khoản hỗ trợ sẽ khiến người dân nảy sinh tâm lý không muốn thoát nghèo. Vì vậy, cần bảo lưu chính sách cơ bản từ 2 - 3 năm để cho hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Ông Trần Duy Cường - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi, hải đảo, vùng nông thôn, ven biển. Trong các nguồn lực đầu tư thì nguồn vốn từ NHCSXH đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực làm cầu nối để giải ngân nguồn vốn chính sách, kết nối với các hội, đoàn thể, ngành chức năng hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Trong 9 tháng năm 2014, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng đủ nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và giải quyết việc làm. Doanh số cho vay trong quý III/2014 tập trung cho hộ nghèo với dư nợ hơn 80 tỷ đồng, 3.074 lượt hộ vay.

“Trong năm 2014, nguồn vốn có hạn nên chúng tôi chỉ có chỉ tiêu cho hộ cận nghèo vay 100 tỷ đồng. Nhưng do nhu cầu của bà con lớn, ngân hàng đã linh hoạt chuyển nguồn vốn từ các chương trình khác không có nhu cầu sang cho vay hộ cận nghèo. Đến cuối tháng 6/2014, cho vay đối tượng hộ cận nghèo lên đến 170 tỷ đồng. Vùng miền núi, nông thôn và hải đảo Quảng Ngãi hiện còn nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngân hàng đã đưa ra chỉ tiêu cuối tháng 9 năm nay giải ngân hết nguồn vốn cho các đối tượng này và linh hoạt chuyển nguồn vốn từ các chương trình, các địa phương không hấp thụ sang các nơi có nhu cầu, tránh trường hợp trả vốn về cho Trung ương như trước đây”, ông Cường nói.

Mở ra cơ hội mới

Việc hộ mới thoát nghèo đang “bơ vơ”, chưa được tiếp sức ít nhiều làm giảm đi tác động của chính sách giảm nghèo bền vững, nhiều hộ tái nghèo khi gặp rủi ro trong sản xuất và cuộc sống. Để lấp “khoảng trống” này, Chính phủ đã giao NHNN xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH. Hiện, dự thảo đang được NHNN lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt.

Về thời gian thụ hưởng chính sách, Dự thảo đề xuất hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH trong vòng 3 năm kể từ ngày xác định thoát nghèo và ra khỏi danh sách hộ nghèo. Mức cho vay không quá 50 triệu đồng. Lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo bằng 130% lãi suất hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (mức lãi suất này tiệm cận với lãi suất thị trường, bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo).

Dự thảo cũng nêu rõ, hộ mới thoát nghèo không phải đảm bảo tiền vay tại NHCSXH.

Thời hạn cho vay do NHCSXH và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa không quá một chu kỳ sản xuất, kinh doanh của đối tượng đầu tư trong phương án sử dụng vốn vay.

Theo ông Cường, chính sách đối với hộ mới thoát nghèo nêu trong Dự thảo trình Chính phủ được thiết kế theo hướng giảm ưu đãi về lãi suất, tăng ưu đãi về phục vụ. Cụ thể, hộ mới thoát nghèo vay vốn chương trình này sẽ được ưu đãi của NHCSXH và được hưởng sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để tiếp cận vốn thuận lợi nhất. Khi chính sách mới này được phê duyệt và có hiệu lực, NHCSXH sẵn sàng phục vụ nhu cầu vay vốn ưu đãi cho nhóm hộ mới thoát nghèo để họ có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo và làm giàu.

Bài và ảnh Hà Vân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác