Đồng hành cùng chương trình thoát nghèo bền vững

03/11/2014
(VBSP News) Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP. Hồ Chí Minh, thành phố đang thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 4 (2014 - 2015) với mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm, không phân biệt nội thành hay ngoại thành.
Nhờ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ dân huyện Củ Chi đã từng bước thoát nghèo

Nhờ chăn nuôi bò sữa, nhiều hộ dân huyện Củ Chi đã từng bước thoát nghèo

Theo tiêu chí mới, TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 130 nghìn hộ nghèo, chiếm 7,12% tổng số hộ và khoảng 50 nghìn hộ cận nghèo, chiếm 2,73%; phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% và hộ cận nghèo còn dưới 3%. Để đạt được mục tiêu trên, chương trình cho vay đối với hộ nghèo của NHCSXH đóng vai trò quan trọng.

“Có vốn mới có việc”

TP. Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo bền vững và căn cơ; tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản; huy động, bố trí nguồn lực tập trung cho các địa bàn trọng điểm và các hoạt động ưu tiên…

Trong báo cáo về chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá theo tiêu chí mới được tổ chức vào đầu tháng 10/2014, bà Đường Hương Lan ở phường 5, đại diện cho những hộ tiêu biểu của quận 5 về việc giảm nghèo bền vững, đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình giảm nghèo làm giàu của mình.

Gia đình bà Lan có 7 khẩu nhưng không có nguồn thu nhập chính do không có việc làm ổn định. Cuộc sống của 7 con người trong căn nhà lụp xụp vô cùng chật vật, bấp bênh. Thế rồi gia đình bà được chính quyền địa phương giới thiệu, hỗ trợ cho vay vốn từ nhiều quỹ, trong đó có NHCSXH với tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Bà sử dụng số tiền này cho con trai đi xuất khẩu lao động, phần còn lại dùng để làm hàng gia công. Chưa đầy một năm sau, điều kiện sống của gia đình bà đã được cải thiện, bắt đầu có “của ăn của để”. Hiện nay, thu nhập trung bình của gia đình đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Tại buổi báo cáo, bà Lan xúc động chia sẻ, trước đây bà cũng nghĩ sẽ làm việc gì đó để cuộc sống của gia đình ổn định nhưng không có vốn. Từ khi được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH, gia đình bà có việc làm, không chỉ thoát nghèo mà còn nghĩ đến việc làm giàu.

Cũng như gia đình bà Lan, nhiều hộ nghèo ở quận 5 cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn làm ăn thông qua nhiều nguồn quỹ nhưng tạo vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tại NHCSXH vẫn là nguồn chính.

Không chỉ ở quận 5 mà nhiều địa phương khác ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã giúp người dân thoát nghèo bằng cách đưa vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay hộ nghèo, giúp người dân làm việc đem lại thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, con cái được đến trường.

Chị Trần Thị Gái ở tổ 38, khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12 là một ví dụ. Chị Gái bị dị tật bẩm sinh, lại phải nuôi mẹ già trên 80 tuổi bằng tủ hàng bán vài thứ lặt vặt. Thấy mẹ con chị lê lết kiếm từng bữa cơm qua ngày, Tổ tự quản giảm nghèo của phường giới thiệu cho chị vay vốn tại NHCSXH. Chị dùng số tiền đó để lấy thêm nhiều mặt hàng, nâng cấp cửa hàng tạp hóa, từ đó, cuộc sống của mẹ con chị thực sự thay đổi. Chị chia sẻ: Để “tri ân” chính sách của Nhà nước, chị luôn đảm bảo trả vốn đầy đủ, đúng hạn và còn tiết kiệm được chút ít. Sau 4 năm vay vốn của chương trình, chị đã có cửa hàng tạp hóa tại nhà khang trang, thu nhập ổn định.

Đồng hành cùng thành phố thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Văn Xê - Phó Trưởng ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện tại, thành phố đang hướng đến thực hiện việc giảm nghèo đa chiều, đây là cách nhanh chóng để giảm nghèo bền vững. Theo ông Xê, trong thời gian qua, thành phố đã đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động nghèo, ưu tiên lao động thuộc diện này đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cấp thẻ bảo hiểm y tế, xây nhà tình thương, trợ cấp ưu đãi cho HSSV… và quan trọng là giúp hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách vay ưu đãi của Nhà nước tại NHCSXH để tránh việc vay nóng ở ngoài với lãi suất “cắt cổ”.

Để làm được điều đó, theo Phó Giám đốc NHCSXH TP. Hồ Chí Minh, Trần Văn Tiên, thời gian qua, mỗi năm doanh số cho vay hộ nghèo của đơn vị đạt từ 200 - 300 tỷ đồng (tương đương với 15.000 lượt hộ vay/năm).

Nhờ được vay vốn ưu đãi,  nhiều hộ nghèo chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và giảm nghèo nhanh

Nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao
và giảm nghèo nhanh

Một khi đã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, người dân sẽ yên tâm sản xuất, kinh doanh và sử dụng vào nhiều mục đích quan trọng khác. Thậm chí có nhiều gia đình, khi sử dụng nguồn vốn này không chỉ thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Chị Nguyễn Thị Thúy Hà ở khu phố 4, phường Hiệp Thành, quận 12 là một minh chứng. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo, thu nhập chính phụ thuộc vào rổ rau chị mua đi bán lại ngoài chợ. Năm 2007, gia đình chị được vay vốn tại NHCSXH quận 12 để chăn nuôi heo và mua thêm máy may công nghiệp. Tổng cộng chị được xoay vòng vốn 6 lần. Đến cuối năm 2011, chị đã mở được doanh nghiệp tư nhân vừa may mặc, vừa kinh doanh bến bãi đậu xe các loại, giải quyết được việc làm cho các thành viên trong gia đình, giúp 15 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Khi đã thoát nghèo, chị lại tích cực cùng gia đình tham gia vào các loại quỹ vì người nghèo, trợ cấp thường xuyên cho hộ nghèo, ủng hộ xe đạp, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…

Còn chị Hồ Thị Thanh Thúy ở ấp 2, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh là đại diện những hộ dân thụ hưỏng chính sách ưu đãi tín dụng của Chính phủ được tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của NHCSXH tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2013. Chị Thúy kể, trước đây, gia đình chị chỉ cày thuê, cuốc mướn. Ông bà nội ngoại đều đông con nên gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Hai vợ chồng làm việc quần quật ngày đêm, ai kêu gì làm nấy mà vẫn không đủ tiền lo cái ăn, cái mặc cho 3 đứa con. Rồi khi con ốm đau, chị phải đi vay nặng lãi và sau đó là những chuỗi ngày còng lưng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con khiến cuộc sống của gia đình tưởng như không có lối thoát. Năm 2007, chị được địa phương hướng dẫn làm thủ tục vay vốn tại NHCSXH. Từ đó đến năm 2011, chị được vay tổng cộng 80 triệu đồng. Chị dùng để trả nợ số tiền “vay nóng”, trang trải chi phí học tập cho các con và mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Với tính cần kiệm, chắt chiu và linh hoạt, từ những đồng vốn mang tính bước ngoặt đó, đến nay, chị đã có cơ sở chăn nuôi giết mổ, thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Chị vui vẻ khoe, với thu nhập đó, trừ chi phí, chị có thể bỏ túi gần 25 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn giúp lao động địa phương làm việc để có thu nhập ổn định.

“Nếu Đảng, Nhà nước không cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi thì con tôi chắc chắn thất học, cuộc sống gia đình không biết sẽ đi về đâu. Đồng vốn nghĩa tình của Chính phủ đã mở ra cho gia đình tôi một cuộc sống mới, tốt đẹp và tươi sáng hơn”, chị Thúy chia sẻ.

Ông Trần Văn Tiên cho biết, tính đến hết tháng 9/2014, tổng dư nợ chính sách vay vốn là 2.190 tỷ đồng, trong đó chính sách cho vay hộ nghèo là 803 tỷ đồng. Mỗi hộ nghèo được vay với mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất 0,72%/tháng. Với chính sách này, người dân không phải thế chấp tài sản khi vay vốn nhưng phải là hộ nghèo trong danh sách của địa phương. Thời hạn vay vốn phụ thuộc vào mục đích sử dụng nhưng không quá 60 tháng. “Chính sách này đã giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo hiệu quả, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững mà TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện”, ông Tiên cho biết.

Bảo Thiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác