Kon Tum - những câu chuyện thoát nghèo như cổ tích
Tỉnh Kon Tum có gần 26% số hộ thuộc diện nghèo và hộ cận nghèo, với hơn 50% số hộ là dân tộc thiểu số, trong đó có 75 xã thuộc diện khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg.
“Đòn bẩy” từ những đồng vốn nhỏ
Về thôn Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy hỏi gia đình ông Weo sinh năm 1957 ai cũng biết. Ngôi nhà của ông khang trang nhất xóm. Với giọng đậm chất Tây Nguyên, ông Weo nói như cười: “Năm 2010, mình vay của NHCSXH huyện Sa Thầy 10 triệu đồng hộ nghèo, đầu tư vào trồng 2ha mì. Nhờ chăm chỉ làm ăn, mỗi năm 2ha mì đó cũng cho mình thu hoạch được gần 90 triệu đồng. Từ tiền dành dụm, mình đầu tư thêm 2ha cao su. Hiện nay cao su của mình tốt lắm, chắc chỉ 2 năm nữa cho thu hoạch thôi. Vừa rồi, với chính sách vay vốn dành cho những xã trong vùng đặc biệt khó khăn, mình mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng đầu tư nuôi thêm bò”.
Như minh chứng cho câu chuyện của mình, ông Weo dẫn chúng tôi đi xem 2 con bò mà ông mới mua từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Sa Thầy, ông Đỗ Nuôi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sa Bình, cho biết: “Năm 2013 - 2014, ông Weo vinh dự trở thành hội viên nông dân sản xuất giỏi của huyện. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 170 - 200 triệu đồng. Không chỉ là người sản xuất giỏi mà ông ấy còn là người yêu thích và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Nói rồi, ông Nuôi cười lớn khoe: “Ông ấy là tay đua thuyền độc mộc số 1 trên sông Đăc Bla, là Hội trưởng Hội cồng chiêng của thôn đấy”.
Rời nhà ông Weo, tôi được cán bộ địa phương đưa sang thăm gia đình ông A Ninh, sinh năm 1964, người dân tộc Gia Rai, trú tại thôn Ka Bây, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Đường vào nhà ông Ninh rợp bóng cao su, ông Nuôi kể: “A Ninh trước đây kinh tế khó khăn lắm, cơm bữa đói, bữa no. Thế mà nhờ số tiền vay vốn ngân hàng và biết cách làm ăn nên hộ gia đình A Ninh đã thoát nghèo, đang phấn đấu để trở thành hộ thoát nghèo bền vững”.
Còn theo lời ông Ninh, chính nguồn vốn của NHCSXH là “đòn bẩy” giúp gia đình ông thoát nghèo, ông nói: “Năm 2006, tôi vay 10 triệu đồng mua được 2 con bò cái. Một năm sau, 2 con bò sinh sản được 2 con nữa. Tôi quyết định chỉ giữ lại một con bò cái còn bán ba con để đầu tư vào mua đất trồng cao su”. Hiện nay, với diện tích 3,6ha đất, gia đình ông kết hợp trồng xen canh mì mang đến thu nhập mỗi năm 60 - 70 triệu đồng, ông còn nuôi thêm dê và bò đem lại thu nhập mỗi năm chừng 30 triệu đồng.
Nhờ “ông” ngân hàng tin tưởng cho vay
Không chỉ chăm chỉ làm kinh tế, ông Ninh còn chú trọng cho con cái học hành. Con gái ông đang học Cao đẳng Sư phạm của tỉnh, ông tự hào: “Ngày trước mình nghèo, mấy anh nó không được đi học, giờ có cái ăn, cái mặc, phải cho con đi học để đỡ khổ hơn đời mình chứ. Vừa rồi, với chính sách cho vay với những xã đặc biệt khó khăn, mình quyết định vay thêm nên giờ đang nợ ngân hàng 37 triệu đồng, số tiền đó mình lại mua bò để bò đẻ ra con…”. Ánh mắt ông chợt trĩu xuống: “Mình nghèo đến cả thôn chả ai dám cho mình vay, thế mà “ông” Ngân hàng lại tin tưởng dám cho mình vay tiền. Nhờ số tiền đó, mình và con cái mới có được cuộc sống như hôm nay đấy”.
Bên cạnh những hộ nông dân làm ăn hiệu quả cũng có không ít hộ dân vay vốn rồi làm ăn thua lỗ do thiếu kinh nghiệm sản xuất. Điều này khiến Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum Lê Danh Thứ, trăn trở: “Đa số những hộ dân vay vốn làm ăn thất bại đều do chưa có kinh nghiệm sản xuất. Mình cho người dân vay tiền mà để họ làm ăn thua lỗ, thêm nợ mình thấy như mắc nợ. Chính vì vậy, hiện nay các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đều phối hợp chặt chẽ với các tổ chức ủy thác, chính quyền các địa phương tăng cường công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn”.
Giám đốc Thứ nhận định: “Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ như chiếc “cần câu” đến đúng lúc người dân cần vốn sản xuất, kinh doanh. Với quyết định này, có những hộ không thuộc diện nghèo nhưng thuộc xã đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn. Tuy nhiên, với những hộ không thuộc xã theo quyết định trên, sau khi thoát nghèo, nếu như họ tiếp tục được vay thêm vốn từ 2 - 3 năm để còn có vốn làm ăn thì người dân có cơ hội tránh tái nghèo và thoát nghèo bền vững hơn”.
Bài và ảnh Uyên Thu - Hoàng Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp hộ cận nghèo phát triển kinh tế
- » Hà Tĩnh - ấm tình những ngôi nhà vượt lũ
- » Phú Thọ cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo
- » Những phát hiện mới trong chuyến đi thăm và làm việc tại NHCSXH của Đoàn Chính phủ Cộng hòa Mozambique
- » Nguồn vốn nâng đỡ hộ nghèo
- » Cần Thơ thực hiện tốt Đề án nâng cao chất lượng hoạt động
- » Ngày hẹn của ngân hàng với người nghèo
- » Hiệu quả bước đầu từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo
- » Thượng Hiền thực hiện tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- » Phủ xanh núi đồi từ đồng vốn nhỏ