Phủ xanh núi đồi từ đồng vốn nhỏ
Bên cạnh những vườn cây ăn quả đặc sản như lê, hồng không hạt, đào Mẫu Sơn, núi rừng huyện Cao Lộc còn được phủ xanh bởi nhiều loại cây lâm nghiệp như thông mã vĩ, sa mộc, keo, bạch đàn… Nhiều hộ tiếp cận được các chương trình vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH để đầu tư trồng rừng.
Xây nhà khang trang nhờ rừng thông
Chị Nông Thị Giang ở thôn Khuôn Cuổng, xã Thạch Đạn có cánh rừng thông gần 5ha. Cánh rừng này gia đình chị Giang trồng được 1 năm, cây cao mọc đã quá đầu người. “Không như nuôi lợn, nuôi gà, trồng rừng yêu cầu phải có nguồn vốn lớn hơn. Khoản tiền mua cây giống để phủ hết chỗ đất rừng của gia đình tôi được người ta cho trả dần. Cũng may, đầu tháng 6 vừa rồi, tôi được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để trả khoản nợ mua cây giống, thuê nhân công chăm sóc đồi thông”, chị Giang thổ lộ.
Gia đình chị Đinh Thị Thiệp ở bản Roọc, xã Thạch Đạn cũng vừa được vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư trồng rừng, phát triển chăn nuôi. “Trồng thông là tính cho chuyện lâu dài. Sau 12 - 15 năm cây thông sẽ cho khai thác nhựa, sau 20 năm được khai thác gỗ. Tôi thấy nhiều hộ trong xã, ngoài huyện khấm khá, xây dựng được nhà cửa khang trang cũng nhờ trồng thông”, chị Thiệp tâm sự.
Điều chị Giang, chị Thiệp chia sẻ cũng là niềm phấn khởi của hàng trăm hộ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để trồng rừng ở các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Hữu Lũng…
Vì lợi ích lâu dài
Hiện, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cao Lộc đạt gần 150 tỷ đồng, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo là 48 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 59 tỷ đồng; hộ cận nghèo hơn 20 tỷ đồng,… Các hộ vay vốn chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi và trồng rừng. |
Thạch Đạn là một trong những xã thuộc diện khó khăn của huyện biên giới Cao Lộc với tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 38,7%, hộ cận nghèo là 38,4%. Ông Đồng Khánh Sáu - Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo xã Thạch Đạn cho biết: “Diện tích đất canh tác nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa của xã rất ít. Đất rừng, đất lâm nghiệp chiếm diện tích rất lớn và là thế mạnh của địa phương nhưng trước đây chưa được phát huy bởi người dân thiếu vốn, thiếu kiến thức trồng rừng. Có các chương trình tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được vay vốn đầu tư trồng rừng”.
Không chỉ trồng thông vì lợi ích kinh tế lâu dài, ở nhiều huyện, nông dân còn vay vốn trồng rừng nguyên liệu giấy như keo, mỡ, bạch đàn. Điển hình là ở xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng. Ông Phạm Trung Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đô Lương cho hay: “Với phong trào “cánh rừng Bác Hồ”, nông dân trong xã đã phủ kín gần 840ha đất lâm nghiệp. Hầu hết các hộ trong xã có rừng, hộ ít 2 - 3ha, hộ nhiều tới 8 - 10ha. Toàn bộ đất rừng ở Đô Lương được phủ xanh bởi keo, bạch đàn, mỡ cũng nhờ một phần tác động của các nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Nhiều hộ nghèo vay vốn đã có đời sống khấm khá khi cây rừng được khai thác…”.
Bài và ảnh Đông Hoàng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Câu chuyện giảm nghèo ở Cao Bằng
- » Chuyện của những người “thành công”
- » An sinh xã hội vùng ĐBSCL - huy động mọi nguồn lực
- » Quang Tiến bứt phá thoát nghèo
- » CCB trên mặt trận chống “giặc nghèo”
- » NHCSXH trước cơ hội hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di dộng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Vốn về, ước mơ hóa thực
- » Xoá nghèo trên miền cát trắng
- » Bắc Ninh nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
- » Kết quả thực hiện tín dụng chính sách và triển khai chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 tại Lâm Đồng