Chuyện của những người “thành công”
Tẩn Mẩy Mắn ở bản Tác Tình, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường là hộ dân mới được thoát nghèo cách đây chưa lâu nhờ sự nâng đỡ của NHCSXH với 20 triệu đồng tiền cho vay. Từ nguồn vốn có được cộng với sự say mê học hỏi, tính quyết đoán và sự nhanh nhạy, chị Mắn quyết định đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo hướng hàng hóa. Không giống cách chăn nuôi truyền thống ở đây là thả, chị bàn với chồng trích một phần vốn vay được mua vật liệu xây dựng chuồng trại kiên cố, sạch sẽ, khoa học rồi mới thả giống chăn nuôi. Nhờ việc chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, chăn nuôi đúng cách và khoa học, biết kết hợp lợi thế địa phương, chị đã nhanh chóng thoát nghèo và hoàn trả vốn cho NHCSXH. Tuy hôm nay đã bước khỏi ranh giới của cái nghèo ngàn đời đeo đẳng, nhưng phần vốn mà chị gây dựng được cũng chẳng đáng là bao so với dự định mở rộng sản xuất của mình. Trao đổi với chúng tôi, chị Mắn cho hay, nếu được Nhà nước tiếp tục cho vay vốn ưu đãi chị sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp để vừa đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương khi tham gia trực tiếp vào trang trại của gia đình và góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương.
Nậm Nhùn là huyện mới chia tách của tỉnh Lai Châu. Với bộn bề khó khăn của một huyện mới “khai sinh”, Nậm Nhùn còn phải mang một gánh nặng rất lớn là tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Về Nậm Nhùn, đến với xã Nậm Manh, một xã có tới hơn 40% số hộ dân trong diện nghèo, chúng tôi không chỉ nghe bà con kể chuyện chinh phục con sông Đà hùng vĩ để xây dựng thủy điện Lai Châu mà còn nghe những bước tiến đầy nhọc nhằn nhưng quyết liệt của đồng bào dân tộc Khơmú nơi đây trong cuộc chiến chống cái nghèo. Chúng tôi được giới thiệu đến ông Vàng Văn Mơn ở bản Nậm Manh về thành tích thoát nghèo tiêu biểu của xã. Cũng như nhiều hộ dân khác, trước đây gia đình ông Mơn cũng vô cùng khó khăn thiếu thốn. Đã có lúc gia đình ông rơi vào hoàn cảnh chưa buông bát bữa trưa đã phải vắt óc nghĩ chuyện kiếm ăn cho bữa tối. Ít ruộng, nhiều con, không có vốn sản xuất chính là những cái khó nó bó chặt lấy cái “nền kinh tế” vốn đã vô cùng eo hẹp của gia đình ông. Quyết tâm thoát nghèo, năm 2007, ông bàn với vợ mạnh dạn vay 5 triệu đồng của NHCSXH để mua bò về làm giống chăn nuôi. Thấy bò là loài gia súc “dễ tính” lại hợp khí hậu tiện cho việc chăn nuôi, nhân được vay từ NHCSXH và tiền đền bù từ thủy điện Lai Châu, ông Mơn mua mấy cặp bò về nuôi. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, câu nói của các cụ không chỉ dừng lại ở một khối tài sản lớn mà với ông Mơn đó là một khối tài sản mang theo cả giấc mơ đổi đời của gia đình ông. Và trời không phụ công người, chỉ sau hơn 1 năm chăn nuôi, đàn bò bắt đầu sinh sản trong niềm vui của gia đình. Mỗi chú bê sinh ra như một bước chân giúp gia đình ông đến gần với giấc mơ đổi đời và đến hôm nay giấc mơ đó đã thành hiện thực khi ông Mơn đã có gần 40 con bò. Không dấu tham vọng, ông Mơn chia sẻ: Nếu được Nhà nước tiếp tục cho vay ưu đãi qua NHCSXH tôi sẽ mạnh mẽ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi để “phất lên” làm ăn lớn.
Khảo sát trên địa bàn tỉnh Lai Châu có thể nhận thấy, sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước nói chung và nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH nói riêng chính là chìa khóa giúp nhiều hộ dân thành công trong việc rũ bỏ cái nghèo. Thế nhưng có một thực tế đáng suy ngẫm là sau khi thoát nghèo, người nông dân sẽ bị “cắt” ngay khỏi các nguồn vốn vay hỗ trợ ưu đãi trong khi bản thân họ lúc đó có thể chưa hoàn toàn “đứng vững”. Giống như đứa trẻ bị cai sữa non, cái vạch chỉ “đói - nghèo” họ vừa vượt qua kia vốn đã rất mong manh khi họ hoàn vốn cho ngân hàng lại càng trở nên yếu ớt và có thể tan vỡ bất cứ khi nào để đưa họ trở lại với sự nghèo đói.
Trên thực tế, nhiều hộ sau khi trả tiền cho NHCSXH đã phải lao ngay vào một loại hình tín dụng khác ấy là dạng “tín dụng đen” với các hình thức vay nóng, vay nặng lãi bởi nhiều người không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ các Ngân hàng thương mại. Nhiều hộ dân cho rằng, đúng là họ đã thoát nghèo nhưng tính bền vững ở đây thì hầu như không có. Vay vốn mua được con bò, bò mẹ sinh bò con chưa được bao lâu thì đáo hạn trả ngân hàng vậy là phải bán bò trả nợ. Về mặt kỹ thuật thì con bò mẹ là vốn của ngân hàng còn chú bê con thuộc về người dân nhưng trên thực tế chú bê con đó cũng phải bán đi theo bò mẹ vì chẳng ai nuôi được. Số tiền thặng dư sau những lần “thương mại” đó khó có thể giúp người nghèo mua được một con bò như họ ước muốn… Nên chăng, ngay lúc này chúng ta có cơ chế tiếp tục giúp những hộ dân mới thoát nghèo được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để họ tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ về đèn sách cho con cái, mái ấm cho gia đình.
Bài và ảnh Dư Khánh Kiên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » An sinh xã hội vùng ĐBSCL - huy động mọi nguồn lực
- » Quang Tiến bứt phá thoát nghèo
- » CCB trên mặt trận chống “giặc nghèo”
- » NHCSXH trước cơ hội hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di dộng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Vốn về, ước mơ hóa thực
- » Xoá nghèo trên miền cát trắng
- » Bắc Ninh nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
- » Kết quả thực hiện tín dụng chính sách và triển khai chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 tại Lâm Đồng
- » Giúp dân nghèo miền Trung ứng phó với bão, lũ
- » “Phao cứu sinh” của hàng vạn hộ cận nghèo Quảng Ngãi