Xoá nghèo trên miền cát trắng

15/10/2014
(VBSP News) Được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH, bộ mặt kinh tế huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có nhiều khởi sắc. Người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tổng nguồn vốn uỷ thác do Hội Nông dân huyện quản lý đến nay đã đạt trên 133 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm dưới 0,82% với 30 chi hội cấp xã ký hợp đồng uỷ thác...
Vườn cây hồ tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyện

Vườn cây hồ tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyện

Thoát nghèo từ vốn ngân hàng

Cách TP. Đồng Hới gần 30km, huyện Bố Trạch là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Theo cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Bố Trạch chia sẻ, địa phương còn nhiều khó khăn, toàn huyện có 30 xã, thị trấn, trong đó có đến 9 xã miền núi và 2 xã miền núi rẻo cao. Hộ nghèo chiếm tỷ lệ khoảng 16%, cận nghèo cũng xấp xỉ con số như vậy…

Hun hút giữa những triền dốc và đồi thông xanh mướt, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyện, xã Phúc Trạch, từng được coi là “hộ nghèo lâu năm”. Hoàn cảnh gia đình bà hết sức éo le, chồng bệnh tật, 5 đứa con đang tuổi ăn học… Nhưng nhờ đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH, chịu khó làm ăn cùng sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể nên kinh tế gia đình từng bước cải thiện.

Bà Nguyện tâm sự, trước đây cuộc sống khó khăn lắm, nuôi một lúc 5 đứa con ăn học, chồng lại ốm đau liên miên, bữa no bữa đói… Được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bố Trạch, bà đầu tư nuôi 3 con bò sinh sản, rồi nuôi heo, trồng hồ tiêu… Thời kỳ cao điểm, gia đình nuôi đến 60 con heo thịt, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, rồi thu nhập từ bò sinh sản, hồ tiêu… Đến nay, gia đình bà Nguyện đã cơ bản thoát cảnh nghèo đói, không còn lo chạy bữa như trước kia.

Cũng thoát nghèo nhờ những đồng vốn ưu đãi ở Phúc Trạch còn có gia đình ông Phạm Quốc Huy. Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng, ông Huy đầu tư gây dựng một trang trại chăn nuôi với 600 con gà, 12 lợn nái… cho thu nhập bình quân xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng.

Nhờ thành quả trên mà từ một hộ nghèo, gia đình ông Huy đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế trang trại ở địa phương. Ông Huy cho biết thêm, nếu không có nguồn vốn từ NHCSXH, gia đình không biết xoay xở thế nào để vượt qua khó khăn của cuộc sống, chứ chưa nói đến chuyện có của ăn, của để như hiện nay.

Theo ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch, được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH bộ mặt kinh tế huyện đã có nhiều khởi sắc. Người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tổng nguồn vốn uỷ thác do Hội Nông dân huyện quản lý đến nay đã đạt trên 133 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm dưới 0,82% với 30 chi hội cấp xã ký hợp đồng uỷ thác…

Nhờ mạng lưới phủ khắp các huyện trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình và có mặt tại những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH đã đến với từng hộ nghèo, đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, xóm, bản, làng của 159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Vốn tín dụng của NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 21% năm 2003 xuống còn 14,18% cuối năm 2013 (theo chuẩn nghèo giai đoạn mới). Gần 60 nghìn lượt hộ được vay vốn; thu hút và tạo việc làm cho hơn 6 nghìn lao động. Hơn 17 nghìn hộ đã thoát ngưỡng nghèo đói…

Tạo thuận lợi cho bà con

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn NHCSXH với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết, việc đưa nguồn vốn ưu đãi về tận cơ sở đã tạo điều kiện cho người dân Quảng Bình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Dù đồng vốn ưu đãi ấy được sử dụng vào việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở mang ngành nghề phụ hay tạo điều kiện cho HSSV nghèo học tập, lao động xuất khẩu… đều hướng đến mục đích chung là tạo dựng cuộc sống đầy đủ, ấm no hơn.

Để những hộ nghèo tiếp cận được vốn vay ưu đãi, cùng với việc thẩm định giải ngân cho vay, cán bộ NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… cũng như các Tổ tiết kiệm vay vốn, tích cực tuyên truyền định hướng sử dụng đúng mục đích như đưa vào chăn nuôi, làm vườn, sản xuất lúa nước, buôn bán nhỏ…

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Lướng, cho biết, chi nhánh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lập hồ sơ, thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản; phối hợp với chính quyền địa phương triển khai sớm công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng; ký kết hợp đồng ủy thác thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nhằm bảo đảm cho vay đúng đối tượng, quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Mặt khác, về phía NHCSXH cũng không ngừng cải tiến phương thức, thủ tục cho vay theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, đối tượng chính sách khác được vay vốn, khắc phục tình trạng cho vay có tính “cào bằng”, thời hạn cho vay không phù hợp với khả năng trả nợ…

Tuy nhiên, trong thực tế, Quảng Bình là địa phương thường xuyên chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai… Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách thường gặp rủi ro lớn, việc phục hồi sản xuất đòi hỏi vốn lớn, dẫn đến chất lượng tín dụng chưa bền vững, tái nghèo diễn ra thường xuyên.

Đơn cử như trong 2 trận bão, lũ liên tiếp trong tháng 10/2013, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ nghèo bị ảnh hưởng và tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Với tinh thần hỗ trợ, NHCSXH đã xử lý rủi ro theo quy định của Chính phủ và cho nhiều hộ vay vốn tiếp tục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, ở những vùng khó khăn của tỉnh Quảng Bình, nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH còn khá lớn…

Đứng trước những khó khăn trên, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% hộ nghèo, các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ bình quân hàng năm khoảng 10%; giảm tỷ lệ nợ quá hạn… cùng với những nỗ lực của cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Quảng Bình, các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm, phối hợp chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.

Đồng thời, cần quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời bổ sung danh sách hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để có căn cứ xác nhận đối tượng vay vốn… Có như vậy, đồng vốn của NHCSXH mới thực sự phát huy tác dụng trên miền cát trắng, gió Lào còn nhiều khó khăn như ở Quảng Bình.

Bài và ảnh Nghiêm Quang Cảnh - Nghi Lộc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác