Lạng Sơn nỗ lực xóa nghèo
Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, tính từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn giảm bình quân trên 3%/năm. Cụ thể, năm 2011 tỷ lê hộ nghèo chiếm 24,06%, năm 2012 giảm xuống 21,02%, năm 2013 là 18%. Đặc biệt, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao đều giảm nhanh, như Bình Gia giảm từ 61,35% xuống còn 53,6%, Đình Lập từ 51,02% xuống còn 44,21%. Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, như xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, giao thông không thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều, thiên tai, dịch bênh luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới đói nghèo… Đạt được kết quả xóa nghèo đáng khích lệ, trước hết Lạng Sơn đã triển khai một cách có hiệu quả các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình 135 phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, đồng thời xác định đúng đối tượng thụ hưởng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS khu vực đặc biệt khó khăn (thuộc Chương trình 135), hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) được gần 16 tỷ đồng; thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn 12 tỷ đồng cho 2.253 hộ, đạt 95,5% kế hoạch năm. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 6 dự án giảm nghèo tại 6 huyện, với 195 hộ, kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã giúp người dân khắc phục khó khăn, góp phần khơi dậy tiềm năng lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống.
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác dân tộc của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian qua là việc triển khai thực hiện Quyết định số 28/2013 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với DTTS vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2015. Với phương thức hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật (cây giống, con giống, phân bón) cho các hộ nghèo DTTS có dân số dưới 10% tổng số dân toàn tỉnh để phát triển sản xuất. Năm 2014 UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí 4 tỷ 114 triệu đồng, hỗ trợ cho 4.114 hộ, đến nay 8/8 huyện đã phân bổ vốn cho các xã thực hiện, trong đó có 2 huyện đã thực hiện xong là Bắc Sơn và Cao Lộc. Kết quả, đã giải ngân hỗ trợ cho 1.153 hộ với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ được hơn 1,5 tấn giống ngô, gần 41 tấn phân đạm, 165 tấn phân lân. Từ việc triển khai các chính sách vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã và đang được cải thiện đáng kể. 6 tháng đầu năm 2014, Lạng Sơn giảm được khoảng 2.980 hộ nghèo, đạt 56,5% kế hoạch năm. Cùng với công tác giảm nghèo, tỉnh luôn chú trọng lồng ghép với các chương trình dự án khác, như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu…
Tràng Định là huyện vùng cao biên giới, có hơn 93% dân số là đồng bào DTTS. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp bà con giảm nghèo bền vững. Bí thư huyện ủy Nông Long Xuyên, chia sẻ: “Trong những năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến nay người dân trong huyện đã tự lập, tự vươn lên thoát nghèo. Có thể kể là chính sách tín dụng chuyển từ vay vốn không lãi suất thành vay vốn có lãi suất (0,1%/tháng) theo mức cho vay tăng từ 5 triệu đồng/hộ lên 8 triệu đồng/hộ đã giúp người dân phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, Tràng Định xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm kinh tế hộ, như gia đình anh Phan Văn Hưng ở thôn Bản Châu, xã Tân Tiến; chị Hà Thị Hường ở thôn Hát Khòn, xã Hùng Việt… là những nông dân đã vươn lên làm giàu, giúp đỡ bà con trong thôn bản xoá nghèo hiệu quả”.
Theo Giám đốc NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Trần Việt Sơn, tính đến nay, tổng dư nợ đạt trên 1.847 tỷ đồng, gần 76.500 hộ còn dư nợ. Trong 10 chương trình cho vay tăng trưởng tín dụng tập trung vào 4 chương trình: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, NS&VSMTNT, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Phần lớn nguồn vốn được đầu tư vào các xã biên giới, vùng khó khăn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ, kinh doanh buôn bán nhỏ. Cùng với cả tỉnh, NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đã và đang nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 14% và thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, cận nghèo so với bình quân chung của cả nước.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phụ nữ Thanh Bình sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » KỶ NIỆM 60 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ: Giúp dân vùng 2 ngoại thành Hà Nội xóa nghèo, làm giàu
- » Năng động Nghĩa Đàn
- » Điểm tựa giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo
- » “Khoảng trống tín dụng” với hộ mới thoát nghèo
- » Kiến Xương phát huy hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi
- » Được vay vốn tới 1 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm
- » Đòn bẩy để thoát nghèo bền vững
- » Khi sinh viên nghèo được chắp thêm cánh
- » Góp phần vào sự phát triển của Hà Nội