Giúp nông dân xứ Lạng phát triển cây thế mạnh
Nói đến cây ăn quả chủ lực của Lạng Sơn không thể thiếu cây na dai. Vụ 2014, giá na quả có phần giảm sút. Tuy nhiên, người trồng na vẫn tin tưởng vào hiệu quả lâu dài của loại cây này.
Thoát nghèo nhờ na
Cũng như nhiều hộ khác ở huyện Hữu Lũng, cây na dai là nguồn thu chính của gia đình chị Nguyễn Thị Mẫn ở thôn Nong Thâm, xã Yên Sơn. Hiện nay, gia đình chị Mẫn đang trồng 500 cây na, trong đó có 300 cây trồng trên núi đá. Diện tích na của gia đình chị Mẫn được trồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo những năm trước. Nguồn thu từ cây na không chỉ giúp gia đình chị chi tiêu hàng ngày mà còn xây được căn nhà 3 gian khang trang. Mặc dù đã thoát nghèo, nhưng do chồng chị bị tai nạn không còn sức lao động nên chị Mẫn vẫn có nhu cầu vay vốn ưu đãi chương trình khác để đầu tư trồng thêm 1.000 cây na.
Cùng thôn Nong Thâm có gia đình chị Đào Thị Cảnh cũng vay vốn ưu đãi để trồng cây ăn quả. Năm 2011 chị Cảnh được vay 15 triệu đồng để trồng 500 cây na. Trả hết món vay cũ, năm 2014, chị lại được vay 40 triệu đồng trồng thêm 1.000 cây na dai và 300 cây nhãn.
Bà Nguyễn Thanh Loan - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng thổ lộ: “Mặc dù có năm được mùa, có năm mất mùa, nhưng na dai vẫn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thị trấn. Nhờ được vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng na, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khấm khá…”. Dẫn chứng cho điều mình nói, bà Loan dẫn chúng tôi đến vài hộ trong thôn Minh Hòa thoát nghèo nhờ trồng na, trong đó có gia đình chị Vũ Thị Lân. “Na năm nay kém hơn năm ngoái, nhưng bình quân vẫn thu được tới 300 nghìn đồng/cây. Nhà tôi trồng 500 cây na cách đây mấy năm từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng hộ nghèo…”.
Phát triển thế mạnh địa phương
Lạng Sơn có thế mạnh phát triển cây ăn quả, trong đó chủ lực là na dai (Hữu Lũng, Chi Lăng), hồng (Cao Lộc), quýt (Bắc Sơn, Bình Gia)… Vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp hàng nghìn hộ dân phát huy được thế mạnh trồng cây ăn quả của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Yên Sơn Nông Viết Niềm, cho hay, cả xã có 622 hộ dân thì có 60% số hộ trồng và sống nhờ na. Dư nợ vốn ưu đãi tại xã hiện lên tới gần 7 tỷ đồng, trong đó chiếm đa số là vốn hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ cận nghèo. Các đối tượng vay vốn hầu hết đều đầu tư trồng cây ăn quả, chủ yếu là na. Thị trấn Chi Lăng - thủ phủ của đất na, dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi lên tới hơn 14 tỷ đồng, trong đó có tới 9 tỷ đồng được đầu tư trồng na dai, hồng không hạt. “Hiện, diện tích trồng cây ăn quả của thị trấn lên tới hàng trăm ha, trong đó na dai chiếm 340ha. Tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm xuống còn hơn 10% như hiện nay có sự góp phần quan trọng của vốn ưu đãi”, ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng khẳng định.
Bài và ảnh Văn Giang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
- » Bước chuyển mình của vùng nông thôn Quảng Ninh
- » Vốn vay ưu đãi cho người nghèo
- » Tiếp bước cho HSSV tại huyện Xuân Lộc đến trường
- » Giải pháp phát triển bền vững NHCSXH
- » Tăng cường vai trò của NHCSXH trong việc phát triển các cụm liên kết ngành
- » Đổi thay nhờ “đòn bẩy” vốn chính sách
- » Chợ Mới với chương trình tín dụng giảm nghèo
- » Đồng vốn ưu đãi đã được phát huy hiệu quả
- » Hộ cận nghèo ở Sóc Trăng được tiếp sức