Chợ Mới với chương trình tín dụng giảm nghèo
Là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%, trong thời gian qua, NHCSXH huyện Chợ Mới đã triển khai tốt những chính sách tín dụng hướng tới giảm nghèo bền vững và phục vụ an sinh xã hội. Ngân hàng luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho đồng bào được tiếp cận các nguồn vốn vay, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường cán bộ xuống địa bàn để xác minh, hướng dẫn các đối tượng lập thủ tục vay vốn của ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, giảm nghèo. Đến nay toàn huyện có 16 Điểm giao dịch tại 16 xã, thị trấn, với 221 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tỷ lệ giao dịch xã hàng tháng đạt 100%, có trên 6.000 lượt hộ được vay vốn. Thông qua hoạt động giao dịch tại xã, ngân hàng đã tổ chức giao ban với cấp ủy, chính quyền địa phương, với tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng với Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu rõ hơn hoạt động của NHCSXH và tính ưu việt trong chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh số cho vay của NHCSXH đạt trên 30,8 tỷ đồng. Trong đó cho vay hộ nghèo là 6,2 tỷ đồng, hộ cận nghèo 6,4 tỷ đồng…
Ông Hoàng Văn Hậu - Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Mới cho biết: Cùng với việc thẩm định giải ngân cho vay, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn vận động người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Qua nắm bắt cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi được người dân sử dụng hiệu quả, nhiều hộ ổn định được kinh tế gia đình. Nhiều hộ không những đã thoát nghèo mà còn vươn lên làm ăn khá giả, có điều kiện xây dựng nhà ở kiên cố, sắm mới các trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi… Điển hình trong số này như gia đình anh Nguyễn Trọng Tiến ở thôn Tài Chang, xã Bình Văn. Được vay 30 triệu đồng, anh dành 10 triệu đồng làm chuồng trại để nuôi lợn rừng và lợn ta. Với 20 triệu đồng còn lại, anh lên tận huyện Pác Nặm để mua giống lợn rừng, vào huyện Na Rì để mua giống lợn ta. Những lứa lợn đẻ đầu tiên, anh để lại nuôi và chọn con tốt bán lợn giống. Chỉ sau 1 năm, kinh tế gia đình anh Tiến đã dần ổn định và tới năm 2012 thì thoát được nghèo. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, anh Tiến đã tìm đến nhiều trang trại để học hỏi kinh nghiệm. Các hộ nghèo trong xã, trong thôn có nhu cầu nuôi lợn đều được anh bán dưới dạng cho vay không lãi. Hiện ở xã Bình Văn, ngoài gia đình anh Tiến nuôi nhiều lợn nhất, còn một số gia đình ông Ma Phúc Tạch, thôn Bản Mới; gia đình ông Nguyễn Tiến Khoan, thôn Thôm Bó đều phát triển chăn nuôi hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi…
Hiện, NHCSXH huyện Chợ Mới đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng nguồn vốn và đối tượng cho vay. Lãnh đạo ngân hàng cho hay, nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn không thiếu, dân có nhu cầu sẽ được đáp ứng kịp thời. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi do chưa nắm vững thông tin, thậm chí là không biết. Mặt khác, vẫn còn một số ít đồng bào chưa biết cách làm ăn nên không có nhu cầu vay vốn. Bởi vậy, việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con vay và sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả là việc làm rất cần thiết. Thời gian tới, NHCSXH huyện Chợ Mới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu, không để lãng phí nguồn vốn; tiếp tục thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, lãi tồn đọng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao.
Bài và ảnh Bích Ngọc - Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng vốn ưu đãi đã được phát huy hiệu quả
- » Hộ cận nghèo ở Sóc Trăng được tiếp sức
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Nam họp phiên thường kỳ
- » Sẽ có 40.000 hộ được hưởng lợi từ chủ trương xây nhà tránh lũ
- » Bài học kinh nghiệm về tổ chức cho vay Chương trình tín dụng HSSV
- » Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển KT - XH tại vùng dân tộc và miền núi
- » Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù
- » Cùng chung mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
- » Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ II: GIẢI PHÁP CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG)
- » Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ I: LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NHCSXH?