Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù

29/09/2014
(VBSP News) NHCSXH hoạt động không vì lợi nhuận mà vì an sinh xã hội, thực hiện cho vay với lãi suất và các điều kiện ưu đãi, mục tiêu chủ yếu là xoá đói, giảm nghèo. NHCSXH là một tổ chức tín dụng (TCTD) đặc thù của Nhà nước. Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/202 của Chính phủ quy định người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi.
Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được ủy thác cho vay qua Đoàn TNCS HCM, nhiều đoàn viên thanh niên đã có cơ hội làm giàu

Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được ủy thác cho vay qua Đoàn TNCS HCM, nhiều đoàn viên thanh niên đã có cơ hội làm giàu

Với mô hình tổ chức và quản lý hợp lý, từ 3 chương trình tín dụng ban đầu nhận bàn giao từ các Ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước (đầu năm 2003), đến nay, sau 11 năm hoạt động NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 126 nghìn tỷ đồng, tăng 18 lần so với khi mới thành lập. Nợ quá hạn từ 13,75% khi mới thành lập xuống còn 0,57% (đến hết tháng 6/2014). Trong 10 năm hoạt động (2003 - 2012), đã có trên 21 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH với doanh số cho vay trên 210 nghìn tỷ đồng; đã góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động; giúp hơn 3 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình NS&VSMTNT; xây dựng trên 88 nghìn căn nhà vượt lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, gần 500 nghìn căn nhà hộ nghèo, gia đình chính sách; hơn 98 nghìn lao động thuộc diện chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài,…

Mô hình tổ chức bộ máy quản lý điều hành của NHCSXH được coi là mô hình đặc thù, khác biệt với các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam và các nước trên thế giới với những ưu điểm.

Thứ nhất, tổ chức bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, phương thức cho vay uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCS HCM và Hội Cựu chiến binh), thành lập mạng lưới trên 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên cả nước, đã đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, tiết kiệm tối đa chi phí  và nhân lực cho NHCSXH và người vay vốn. Đây là việc thực hiện quá trình dân chủ hóa, xã hội hóa chính sách tín dụng của Nhà nước thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Các tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống bộ máy tổ chức chặt chẽ từ Trung ương tới cơ sở và tận thôn, bản. Các tổ chức này ở gần các đối tượng vay vốn nhất, am hiểu họ nhất, có điều kiện làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền các chính sách, các chương trình tín dụng của Đảng, Chính phủ đến các đối tượng vay vốn nhanh nhất, giúp các đối tượng hưởng lợi đúng nhất, đồng thời có các giải pháp giúp đối tượng vay vốn sử dụng vốn vay có hiệu quả nhất. Đây là lợi thế của nước ta mà trên thế giới hầu hết các nước không có được.

Thứ hai, mô hình quản lý, điều hành NHCSXH là một mô hình quản lý mới, một kênh dẫn vốn tin cậy chuyên trách phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đối tượng thụ hưởng được nhận vốn vay ngay tại nơi cư trú, công khai, thủ tục đơn giản giúp người vay dễ hiểu, dễ làm.

Thứ ba, mô hình quản lý điều hành NHCSXH hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ Chính phủ giao. Được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Trong thời gian tới bên cạnh những nhiệm vụ đã được giao, NHCSXH sẽ phấn đấu trở thành ngân hàng lớn đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, có tiềm lực tài chính đủ mạnh, trang thiết bị hiện đại phục vụ số lượng lớn khách hàng chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân như Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhu cầu vốn của người nghèo còn lớn, để làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ của NHCSXH, trong thời gian tới,NHCSXH phải được đảm bảo nguồn vốn cho các đối tượng vay vốn. Đây là nội dung quan trọng vừa để NHCSXH thực hiện cho vay đúng, đầy đủ, giúp cho cơ quan điều hành tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cho người dân vay đủ vốn theo yêu cầu, nhanh chóng thực hiện việc giảm nghèo nhanh, bền vững.

Cần có giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt Chủ tịch UBND cấp xã trong việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn quản lý. Cần thiết bổ sung Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện.

Nâng cao vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền phổ biến các chương trình tín dụng ưu đãi cho hội viên, đoàn viên và nhân dân biết để thực hiện. Thực hiện tốt việc quản lý, tổ chức hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; làm tốt các nội dung nhận ủy thác với NHCSXH và tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương. Trên cơ sở đó có ý kiến góp ý, bổ sung, sửa đổi các chính sách tín dụng, công tác tổ chức và thực hiện chính sách tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng.

Ban Bí thư Trung ương Đảng cần có Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trong giai đoạn tới.

Thực tế hiện nay, một số cấp ủy chưa coi trọng sự lãnh đạo của Đảng trong công việc này, thường giao khoán cho NHCSXH và các hội, đoàn thể làm. Do đó, chất lượng tín dụng thấp, nợ quá hạn, nợ xấu cao, ảnh hưởng không tốt tới nguồn vốn cho vay ưu đãi từ NHCSXH.

Bài và ảnh Hà Văn Chung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác