Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ I: LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NHCSXH?
Phát triển bền vững NHCSXH là sự phát triển đảm bảo tính ổn định, đảm bảo mối quan hệ hài hòa, lành mạnh giữa các mặt lợi ích của Nhà nước - Ngân hàng - Khách hàng, đáp ứng nhu cầu hiện tại và khả năng phát triển trong tương lai phù hợp với nhu cầu thị trường và phát triển chung của nền kinh tế. Khái niệm này bao gồm trong đó hai yếu tố cơ bản của phát triển bền vững: Nhu cầu vay vốn và các dịch vụ ngân hàng khác của khách hàng phải luôn là ưu tiên hàng đầu và sự hữu hạn của năng lực NHCSXH (tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ…) bị chế định bởi chính sách, tuyển dụng, khả năng trang bị công nghệ để đáp ứng những nhu cầu hiện tại và tương lai.
Có thể nói rằng, phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải đảm bảo tiếp tục phát triển trong tương lai, trước mắt cũng như lâu dài. Sự phát triển bền vững luôn phải được xem xét trong cả quá trình theo không gian và thời gian. Tức là một nền kinh tế, một môi trường, một ngân hàng… đều là một hệ thống với những mối quan hệ tương tác nội tại.
Trong đó, tương tác không gian giữa các khu vực kinh tế thế giới, các lĩnh vực của nền kinh tế, các yếu tố của thị trường, các bộ phận của NHCSXH. Nếu nhìn nhận NHCSXH như một hệ thống theo trục không gian, ta sẽ nhận thấy rằng sự yếu kém của một bộ phận nghiệp vụ chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy giảm về doanh số hoạt động, khiến NHCSXH phải thu hẹp hoạt động, tiết giảm một số bộ phận. Từ đó làm cho các trung gian tài chính, đặc biệt là các tổ chức tín dụng (TCTD) Nhà nước bị ảnh hưởng. Trên thị trường tài chính (TTTC) Quốc tế, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 với trào lưu vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn trên thị trường bất động sản của các nước trong khu vực đã dẫn đến rút vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán và sự suy giảm trầm trọng giá trị đồng tiền nhiều nước Châu Á trên thị trường ngoại hối. Ví dụ trên đây chính là một minh họa sinh động về tương tác không gian trong hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó là sự tương tác thời gian giữa hiện tại và tương lai của thế giới, nền kinh tế thị trường tín dụng hay NHCSXH. Tương tác thời gian là tương tác dễ nhận thấy hơn cho dù cần có thời gian để kiểm chứng và đánh giá đầy đủ. Những chính sách kinh tế của ngày hôm nay của chúng ta đang để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu mai sau. Sự phát triển ồ ạt, quá mức một số hoạt động sử dụng vốn NSNN cho an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục thiên tai, vùng sâu, vùng xa… cho nhiều Bộ, ngành quản lý đã ảnh hưởng đến hoạt động đó của NHCSXH, như chồng chéo các chương trình, dự án nên kém hiệu quả, có nguy cơ rủi ro cao…
Sự phát triển bền vững của NHCSXH được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu.
Một là, NHCSXH hoạt động dựa trên một nền tảng năng lực tài chính vững chắc. Năng lực tài chính vững chắc của NHCSXH thể hiện trước hết ở chỗ ngân hàng có cấu trúc nguồn vốn an toàn, cơ cấu tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước giao trong mỗi thời kỳ, có quy mô vốn đáp ứng ngày một tốt hơn các dịch vụ cung cấp cho khách hàng và sự phát triển của ngân hàng trong tương lai; hiệu quả hoạt động ngày một nâng cao.
Hai là, hệ thống quản trị rủi ro hiệu lực, hiệu quả. Quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay đối với khách hàng, được thực hiện dựa trên một hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả, năng lực quản trị rủi ro ngày càng được nâng cao.
Ba là, quản trị rủi ro của NHCSXH chính là quá trình nhận diện, phòng ngừa và xử lý các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm phòng tránh, giảm thiểu tổn thất khi rủi ro xảy ra, đảm bảo hoạt động của NHCSXH được duy trì ổn định và phát triển góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững NHCSXH nói riêng, TTTC nói chung.
Cuối cùng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro là điều kiện quan trọng, là một trong những cơ sở tiền đề để NHCSXH tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nguồn nhân lực đủ về số lượng, chất lượng ngày một nâng cao, đạo đức nghề nghiệp thường xuyên được củng cố, phát huy. Hoạt động của NHCSXH dựa trên một đội ngũ nhân lực có trình độ đáp ứng ngày một tốt yêu cầu của hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính chuyên biệt ở trình độ cao cho khách hàng. Đội ngũ nhân lực đó phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu hoạt động nghiệp vụ, có trình độ chuyên môn sâu, có ý thức đạo đức nghề nghiệp cao, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một nhân viên hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng.
Hệ thống kỹ thuật công nghệ hiện đại, tương thích với hệ thống giao dịch. Công nghệ, kỹ thuật là một trong những yếu tố không thể thiếu để đáp ứng các nhu cầu hoạt động nghiệp vụ, giao dịch của NHCSXH. Muốn phát triển và phát triển bền vững thì NHCSXH và nhà nước không thể không quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực của hệ thống công nghệ kỹ thuật theo hướng tiên tiến, hiện đại, tiếp cận với trình độ khu vực và thế giới. Đồng thời hệ thống công nghệ, kỹ thuật cũng phải phù hợp với hệ thống giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các tổ chức TCTD trong nước và quốc tế. Có như vậy hoạt động của NHCSXH mới được thông suốt, an toàn đáp ứng tốt nhu cầu của các khách hàng.
Quá trình hoạt động và phát triển NHCSXH phải được thực hiện dựa trên một môi trường hoạt động bền vững. Sự bền vững về môi trường trước hết thể hiện trong nội bộ hoạt động ngân hàng. Quá trình vận hành, thực hiện nghiệp vụ của các bộ phận trong NHCSXH phải có tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao, đạo đức nghề nghiệp được coi trọng và ngày một phát huy, sự vận hành của các bộ phận nghiệp vụ không làm phương hại lợi ích, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhau.
Phát triển bền vững Ngân hàng thương mại về môi trường hoạt động còn được thể hiện ở sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính, dựa trên một môi trường hoạt động và kinh doanh lành mạnh, vì sự phát triển chung của các TCTD trong nước và quốc tế.
PGS; TS. Đinh Xuân Hạng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hướng đến sự phát triển bền vững
- » “Bạn đồng hành” của người nghèo
- » Chuyển động mới về công tác tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh
- » “Cầu nối” hỗ trợ hộ nghèo ở Bắc Kạn
- » Hoạt động NHCSXH nhìn từ góc độ tài chính công
- » Tăng cường hoạt động thanh toán của NHCSXH để thực hiện tốt chức năng tín dụng chính sách
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay HSSV
- » Ngô - cây thoát nghèo ở Võ Nhai
- » Hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở Đoan Hùng
- » Người nghèo miền Trung đã có chòi tránh lũ