“Cầu nối” hỗ trợ hộ nghèo ở Bắc Kạn

24/09/2014
(VBSP News) Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có gần 86% số dân là đồng bào DTTS, chủ yếu sinh sống ở những địa bàn khó khăn, cho nên tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn chiếm tới 40%. Trong điều kiện đó, NHCSXH tỉnh đã có giải pháp giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận tiện để phát triển sản xuất.
Nguồn vốn ưu đãi đến với người dân

Nguồn vốn ưu đãi đến với người dân

Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Nhiều năm buôn cá mắm, muối, lợn con ở các chợ phiên vùng cao, đi chợ hỏng mấy chiếc xe máy mà vẫn không thoát được nghèo. Năm 2003, anh Chu Quang Phúc ở thôn Nà Cọ, xã Phương Viên, huyện Chợ Ðồn được NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho vay 20 triệu đồng để đào đất đắp khe núi thành ao thả cá, trồng rừng, làm chuồng gà, lợn. Tích cóp tiền bán cá, lợn, gà, vay thêm vốn tín dụng ưu đãi, anh Phúc đầu tư nuôi lợn rừng. Sau nhiều năm kiên trì, đến nay gia đình anh đã có hơn 20 con lợn rừng giống, mỗi năm sinh sản vài trăm lợn con, nuôi thả tự nhiên, tai đeo số để kiểm lâm theo dõi. Lợn rừng của anh Phúc có đầu mối tiêu thụ ổn định ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng với giá gần 200 nghìn đồng/kg hơi.

Thấy mô hình chăn nuôi lợn rừng có hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 10 lao động ở địa phương, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn tiếp tục cho anh Phúc vay vốn. Cộng với tiền bán cá, lợn, gà, gia đình anh dùng để đầu tư mở rộng trang trại, tăng quy mô chăn nuôi, mua thêm đất trống, đồi trọc để trồng rừng với diện tích hơn 20ha, mua lưới B40 quây chung quanh trang trại, mở đường giao thông ra tỉnh lộ 257 để đi lại dễ dàng. Năm 2013, gia đình anh thu được 2 tỷ đồng từ bán lợn rừng, dúi, cá. Anh Phúc tâm sự: “Nguồn vốn ưu đãi thực sự là “bà đỡ” cho trang trại của gia đình”.

Gia đình anh Triệu Tài Thọ ở thôn Bản Cuôn I, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Ðồn là hộ nghèo, được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi trong thời gian 4 năm để mua 3 con trâu sinh sản. 2 con trâu cái đã sinh sản được 4 con, bán 2 con trả hết vốn và lãi vay, đến nay anh Thọ “lãi” 5 con trâu, có giá trị hàng trăm triệu đồng, gia đình thoát nghèo. Cũng như vậy, gia đình anh Lưu Ðình Ích ở thôn Nà Dì, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn được vay ưu đãi 20 triệu đồng mua một con trâu cái sinh sản về nuôi, sau 6 năm trâu sinh sản 3 con, anh Ích bán 2 con để trả tiền vay, số còn lại mua máy cày, làm vốn sản xuất, gia đình thoát được nghèo.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Bản Cuôn I, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Ðồn có 95 hộ, tất cả đều là đồng bào Dao, nhờ đồng vốn của NHCSXH mà đến nay nhiều hộ đã thoát nghèo. Chị Triệu Thị Nhị là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bản Cuôn I, cho biết: “Hiện nay, Bản có 42 hộ đang được vay vốn ưu đãi 1 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm… Các hộ đều trả lãi đều đặn và không có hộ nào nợ quá hạn”. Là Tổ trưởng nhiều năm nay, chị Nhị rất thông thạo các nghiệp vụ của ngân hàng, như hướng dẫn các hộ lập đề án sản xuất, chăn nuôi, làm các thủ tục vay vốn, kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, thu vốn, thu lãi đúng thời gian…

Ðịa bàn tỉnh Bắc Kạn rộng, giao thông đi lại khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo đơn vị cấp huyện thực hiện giao dịch đến tận xã mỗi tháng một lần vào ngày cố định để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện vay vốn và trả lãi. Ðến nay, dư nợ các nguồn vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh là 1.255 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 25,6 triệu đồng/hộ. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,39%, nợ khoanh chiếm 0,23%.

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn, cho biết: “Chi nhánh đã thành lập được 1.642 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi. Ðây thật sự là những cánh tay nối dài, cầu nối giữa ngân hàng với các hộ nghèo và là đội ngũ góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập huấn để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên phạm vi toàn tỉnh”.

Bài và ảnh Thế Bình - Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác