Tăng cường hoạt động thanh toán của NHCSXH để thực hiện tốt chức năng tín dụng chính sách

24/09/2014
(VBSP News) Cùng với sự phát triển của NHCSXH, hệ thống thanh toán của NHCSXH ngày càng được phát triển, đổi mới, cơ bản đã đáp ứng được khả năng điều chuyển vốn thanh toán trong hệ thống đảm bảo phục vụ mục tiêu chính của ngân hàng là cung cấp vốn tín dụng chính sách tới các đối tượng thụ hưởng theo nhiệm vụ được Chính phủ giao đồng thời đáp ứng được nhu cầu thanh toán cho khách hàng mở tài khoản tại NHCSXH cũng như các khách hàng vãng lai thuận tiện và an toàn với mức phí giao dịch thấp nhất.
Quầy giao dịch kiểu mẫu của Sở giao dịch NHCSXH

Quầy giao dịch kiểu mẫu của Sở giao dịch NHCSXH

Hơn 11 năm hoạt động và trưởng thành, NHCSXH đã và đang chứng tỏ được sức mạnh và hiệu quả hoạt động của mình qua việc thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ được Chính phủ giao. Từ 3 chương trình tín dụng chính sách nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Trong những năm qua đã có trên 23 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động; giúp hơn 3,2 triệu HSSV được vay vốn học tập… đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Với đặc thù về chính sách tín dụng: Lượng khách hàng rộng khắp toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố, quận, huyện và tính chất phục vụ người dân tại các Điểm giao dịch xã, nên để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao, đảm bảo việc luân chuyển vốn nhanh nhất, tiết kiệm nhất và sử dụng vốn hiệu quả nhất thì hoạt động thanh toán và điều chuyển vốn trong hệ thống NHCSXH là rất quan trọng.

Những ngày đầu mới thành lập, điều kiện vật chất kỹ thuật, nguồn lực còn hạn hẹp, chưa có điều kiện hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ nên nghiệp vụ thanh toán, điều chuyển vốn nội bộ và chuyển tiền cho khách hàng của NHCSXH hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống thanh toán bù trừ của NHNN tỉnh, thành phố và các NHTM trên cùng địa bàn. Vì vậy, việc thanh toán không thể chủ động được về thời gian. Nhận thức rõ vấn đề này, NHCSXH đã từng bước triển khai các dự án để nâng cấp hệ thống thanh toán dần đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Hệ thống thanh toán của NHCSXH gồm: Nghiệp vụ điều chuyển vốn điều hòa và đáp ứng nguồn vốn cho các chi nhánh thực hiện tín dụng chính sách và nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền trong nước cho các đối tượng khách hàng.

Năm 2004, NHCSXH triển khai hệ thống thanh toán chuyển tiền nội tỉnh đáp ứng nhu cầu thanh toán của các khách hàng trong cùng hệ thống trên cùng địa bàn một tỉnh.

Năm 2005, hệ thống chuyển tiền ngoại tỉnh chính thức đi vào hoạt động với Trung tâm thanh toán thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm xử lý (TTXL) đặt tại Sở giao dịch NHCSXH, kiểm soát toàn bộ hoạt động chuyển tiền điện tử ngoại tỉnh đồng thời trực tiếp thực thi nhiệm vụ của một đơn vị thành viên trong hệ thống thanh toán chuyển tiền điện tử ngoại tỉnh của NHCSXH.

Với hai hệ thống này, về cơ bản đã giải quyết các nhu cầu thanh toán chuyển tiền trong nội bộ ngân hàng, các lệnh chuyển tiền được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Doanh số thanh toán ngày càng tăng qua từng năm: Từ vài chục tỷ đồng năm 2005 đến năm 2013 con số này đã đạt: 5.056 tỷ đồng với 11.458 lệnh thanh toán đi và đến.

Tuy nhiên, với các giao dịch thanh toán ra ngoài hệ thống NHCSXH, phải chuyển tiếp qua các hình thức thanh toán như thanh toán bù trừ, thanh toán qua các ngân hàng thương mại, hệ thống chuyển tiền ngoại tỉnh cũng chỉ làm vai trò trung gian thanh toán. Do đó, NHCSXH vẫn chưa thể chủ động trong hoạt động thanh toán của mình.

Từ năm 2009, NHCSXH chính thức là thành viên của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad) đại diện ủy quyền duy nhất là Sở giao dịch NHCSXH. Hệ thống thanh toán Citad thực hiện tới tất cả các TCTD cung ứng dịch vụ thanh toán trên phạm vi toàn quốc, là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng và dịch vụ thanh toán, là cơ sở để mở rộng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, góp phần tăng sức cạnh tranh của ngân hàng.

Với việc tham gia hệ thống Citad, Sở giao dịch là trung gian thanh toán ra ngoài hệ thống NHCSXH với những lệnh thanh toán của tất cả các giao dịch phát sinh của NHCSXH và khách hàng trên toàn quốc với mức phí dịch vụ thấp nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng, đa dạng các kênh thanh toán, song song với việc tiếp tục củng cố hoàn thiện công tác chuyển tiền điện tử ngoại tỉnh trong toàn hệ thống, Sở giao dịch cũng không ngừng nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Năm 2010, Sở giao dịch ngoài việc tham gia tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao đã được tham gia tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp. Năm 2011, Sở giao dịch đã thực hiện nâng cấp đường truyền kết nối hệ thống thanh toán liên ngân hàng qua hệ thống đường truyền tốc độ cao, tăng khả năng thanh toán nhanh chóng và an toàn; đáp ứng cho việc thực hiện chức năng Trung tâm thanh toán của NHCSXH.

Sau 6 năm chính thức đi vào hoạt động, hệ thống thanh toán Citad không ngừng phát triển và được mở rộng. Doanh số chuyển tiền năm 2013 là 153.826 tỷ đồng tăng gấp trên 5 lần so với năm đầu tham gia hệ thống này. Qua hệ thống thanh toán này đã giúp NHCSXH sử dụng tối ưu nguồn vốn, chủ động trong việc nhận và gửi tiền trên thị trường liên ngân hàng để tận thu, giảm cấp bù cho ngân sách Nhà nước.

Với xu thế phát triển không ngừng của hệ thống ngân hàng, năm 2012, NHCSXH tiếp tục triển khai dự án hiện đại hóa tin học với hệ thống phần mềm Core Banking gọi tắt là Intellect để hiện đại hóa hệ thống thanh toán nội bộ,  thay thế 2 hệ thống thanh toán Chuyển tiền điện tử  nội tỉnh và Chuyển tiền điện tử ngoại tỉnh. Sau hai năm thực hiện chạy thử và triển khai thí điểm một số chi nhánh, đến tháng 2/2014 hệ thống Intellect chính thức được áp dụng trên toàn quốc đã cho thấy sự tiện lợi trong hoạt động thanh toán của ngân hàng thể hiện qua doanh số chuyển tiền của toàn hệ thống: Chỉ tính 8 tháng đầu năm 2014 doanh số chuyển tiền là: 135.105 tỷ đồng, trong đó số tiền chuyển đi là: 70.222 tỷ đồng, số tiền chuyển đến là: 64.883 tỷ đồng, bằng 90% doanh số của cả năm 2013.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bên cạnh việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách phục vụ hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác theo nhiệm vụ được Chính phủ giao NHCSXH còn tiếp tục triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động nghiệp vụ; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH cần tiếp tục triển khai một số giải pháp sau:

Một là, chương trình hiện đại hóa mới đi vào giai đoạn vận hành chính thức trên toàn quốc. Do đó để đảm bảo hoạt động giao dịch và thanh toán trong toàn hệ thống đi vào vận hành thông suốt phát huy được hiệu quả cao, NHCSXH cần tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ chế thanh toán quy định cho hệ thống NHCSXH.

Hai là, với đặc thù hoạt động NHCSXH là phục vụ tín dụng chính sách cho một khối lượng khách hàng lớn nhất toàn hệ thống ngân hàng; giao dịch phát sinh hàng ngày là rất lớn; đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cũng là một khó khăn trong việc bố trí nguồn lực và đổi mới công nghệ. Căn cứ vào khả năng có thể đáp ứng được về trang thiết bị để xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển NHCSXH theo chiến lược đã được phê duyệt cũng như tiếp tục thực hiện các công việc quản trị phần mềm ứng dụng; quản trị cơ sở dữ liệu; quản trị các thay đổi của hệ thống Intellect hỗ trợ nghiệp vụ, quản trị và thay đổi tham số ứng dụng để đáp ứng yêu cầu thay đổi của nghiệp vụ.

Ba là, NHCSXH cần mở rộng dịch vụ thanh toán ở tất cả các Điểm giao dịch trên toàn quốc. Bởi vì với lợi thế NHCSXH có mạng lưới hoạt động và Điểm giao dịch tại tất cả các tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường là cơ hội tốt để NHCSXH phát triển hoạt động thanh toán cũng như cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại tới người dân thụ hưởng chính sách tín dụng và các khách hàng vãng lai từng bước góp phần thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do thời gian qua, NHCSXH đang tập trung vào thực hiện tốt mảng tín dụng chính sách, việc dành thời gian đào tạo chuyên sâu cho công tác thanh toán còn hạn chế. Vì vậy, rất cần những chương trình đào tạo chuyên sâu về công tác kế toán thanh toán cũng như có kế hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong trung hạn, dài hạn; đào tạo cán bộ tinh thông các hoạt động cho nhiệm vụ trọng tâm đang thực hiện và cán bộ giỏi nghiệp vụ đáp ứng cho những dịch vụ phát triển trong tương lai. Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng, có kiến thức và năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc và phẩm chất đạo đức tốt chúng ta cần tạo ra động lực và không khí học tập không ngừng trong đội ngũ cán bộ.

Cùng với sự phát triển của hệ thống thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán của NHCSXH đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Tiến tới hoàn toàn chủ động trong thanh toán đảm bảo nguồn vốn để phục vụ cho nhiệm vụ chính của NHCSXH và nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của khách hàng, góp phần nâng cao vị thế của NHCSXH trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bài và ảnh Trần Thị Thìn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác