Chắt chiu từng đồng vốn nhỏ

17/09/2014
(VBSP News) Hoạt động tín dụng vùng núi, biên giới luôn là một “thách thức”. Để làm rõ hơn về những khó khăn cũng như thuận lợi của hệ thống các TCTD tại vùng núi cao biên giới, nhóm phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) trong chuyến công tác tại xã Y Tý về những khó khăn cũng như mong muốn của người dân nơi đây về hoạt động ngân hàng tại vùng núi cao này.
Vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả trên vùng núi biên giới Lào Cai

Vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả trên vùng núi biên giới Lào Cai

Phóng viên: Chi phí hoạt động tại vùng miền núi, biên giới cao, song vẫn có ngân hàng bám trụ như NHCSXH, Agribank, vậy đâu là thế mạnh của những ngân hàng này?

Trả lời: Nếu để hạch toán thì khó có bài toán nào giải được, nhưng có thể nói, trước hết, hoạt động của NHCSXH nơi đây là hoạt động theo yêu cầu chính trị, ngoài ra Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng có chi nhánh hoạt động tại các vùng núi và về bản chất các ngân hàng này đã hoạt động từ lâu đời, có quan hệ rất bền chặt với nông dân vì hình thành trên địa bàn từ trước đến nay. Không những thế các ngân hàng này vẫn có hoạt động đầu tư cho nhân dân trên địa bàn và sự đầu tư này vẫn mang lại lợi nhuận, tuy rằng rất thấp. Doanh số cho vay thấp kéo theo lợi nhuận thấp do thị trường nhỏ bé nhưng người làm ngân hàng đã biết chắt chiu từ thị trường này. Người nông dân Việt Nam có một đặc tính là rất chung thủy và khi người nông dân đã vào Agribank thì họ sẽ yên tâm gắn bó, chính tâm lý này đã gắn kết được ngân hàng với người dân và ngược lại. Hơn nữa, các ngân hàng được hạch toán theo hệ thống và thị phần, và điều quan trọng hơn nữa là sự chỉ đạo sát sao và chính sách của các cơ quan chức năng… cũng chính là tiền đề để các ngân hàng bám trụ.

Phóng viên: Theo ông, đâu sẽ là nền tảng cho phát triển của các ngân hàng ở vùng núi, vùng sâu như Bát Xát? Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của NHCSXH tại đây?

Trả lời: Muốn ngân hàng phát triển thì phải có sự luân chuyển của dòng tiền, nhưng hiện nay, sự dịch chuyển của đồng tiền ở miền núi cao mới bắt đầu manh nha. Nếu nhìn về tương lai 5 năm hay 10 năm nữa thì đây sẽ là một thị trường rất bền vững và hiện tại các ngân hàng đang hướng đến thị trường này để có một sự phát triển bền vững

Vai trò của NHCSXH với sự phát triển của kinh tế địa phương có thể nói là cực kỳ quan trọng. Và đặc biệt là đối với tầng lớp người nghèo. Từ lúc họ không biết sử dụng đồng tiền. Cho người dân vay 1 triệu đồng, người dân mang về nhà buộc chặt lại và đến thời gian trả lãi lại mở ra trả và phàn nàn không hiểu tại sao lại thiếu tiền. Thì đến nay, người dân đã biết, hôm nay tôi cần đồng tiền này thì tôi đến ngân hàng và người ta cũng đã biết tìm đến ngân hàng để vay tiền, để sản xuất kinh doanh và tìm đến ngân hàng để gửi tiền. Một trong những điểm mạnh của hoạt động ngân hàng nơi đây là giảm nghèo cho phần lớn người nông dân, dân tộc thiểu số của huyện.

Phóng viên: Hệ thống ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng còn được biết đến như là những “người đỡ đầu” cho những xã nghèo?

Trả lời: NHCSXH của huyện Bát Xát ngoài nhiệm vụ kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội thì còn tham gia phát triển kinh tế của những xã nông thôn mới. Tức là ngân hàng phải tập trung đi sâu để hướng dẫn bà con sử dụng đồng tiền tốt hơn, hiệu quả hơn đảm bảo thời gian trả đúng hạn và có hiệu quả đồng tiền. Như cán bộ NHCSXH phụ trách xã Mường Bi đã chú trọng hướng dẫn người dân ở đây phát triển kinh tế - xã hội, hình thành những mô hình kinh tế tốt và từ đó lan tỏa đến các xã khác.

Bên cạnh đó, các NHTM khác cũng có vai trò rất lớn trong công tác an sinh xã hội. Có thể nói Bát Xát là huyện được hưởng nhiều ưu đãi từ hệ thống ngân hàng, như vừa qua VietinBank đã đầu tư 1 trường mầm non cho 1 xã đặc biệt khó khăn, hay đầu tư 8 phòng học cho 1 xã nông thôn mới thông qua đoàn thanh niên. Agribank cũng vừa đầu tư cả 1 trạm y tế trị giá 6 tỷ đồng cho một xã hoàn thành nông thôn mới trong năm nay. Tính riêng trong vài năm gần đây thì con số an sinh xã hội mà hệ thống ngân hàng dành cho Bát Xát cũng lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn trong lĩnh vực giáo dục, y tế… Ngoài ra còn rất nhiều chương trình hồ trợ khác về chăn, màn, quần áo cứu trợ, thăm hỏi ốm đau…

Tôi mong muốn hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, trước mắt có thể thì phát triển đến cụm xã. Và cứ khoảng 40km thì nên có một Điểm giao dịch cố định của ngân hàng, trong đó các ngân hàng cùng hợp tác phát triển để phục vụ người dân có thể đến vay tiền và gửi tiền thương mại. Nhất là phát triển các dịch vụ thanh toán cho công nhân, cán bộ, nhân viên… bởi thực tế lượng người có nhu cầu giao dịch là có, nhưng nếu phải đi cả trăm km mới có Điểm giao dịch thì hơi khó cho người dân. Hiện NHCSXH đã có Điểm giao dịch tại các xã song Điểm giao dịch này mỗi tháng chỉ hoạt động một vài lần và cũng mới chỉ dừng lại ở hoạt động cho vay và thu nợ, lãi mà thôi. Còn các dịch vụ ngân hàng khác như chuyển tiền… thì người dân vẫn phải về thành phố hoặc trung tâm huyện mới có thể thực hiện được.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Bài và ảnh Hà Đăng - Quang Cảnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác