Chợ Đồn sử dụng hiệu quả vốn vay hộ nghèo

16/09/2014
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, các hộ nghèo trên địa bàn huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) từng bước ổn định đời sống, nâng cao thu nhập gia đình.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đã đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn đã đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Sau nhiều năm đồng hành cùng người nghèo trên địa bàn huyện Chợ Đồn, NHCSXH đã thực hiện giải ngân hàng trăm tỷ đồng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội được tiếp cận với đồng vốn chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Đồn Nguyễn Thành Trung, cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban đại diện HĐQT các cấp, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã cùng phối hợp giải ngân vốn vay các chương trình hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… Trong quá trình thực hiện cho vay, NHCSXH huyện luôn chú trọng đến công tác kiểm tra sử dụng vốn vay nhằm nắm bắt, đánh giá sát thực chất lượng, hiệu quả đầu tư vốn vay.

Qua kiểm tra sử dụng vốn vay, đối chiếu công khai dư nợ cho thấy hầu hết các hộ sử dụng tiền vay đúng mục đích và đang phát huy tốt hiệu quả đồng vốn, kinh tế nhiều hộ đang từng bước ổn định và được nâng cao, nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình kinh tế đồi rừng, trang trại,… Cùng với đó, các hộ vay đều thanh toán nợ vay, lãi tiền vay khi đến hạn luôn đảm bảo, kịp thời, tỷ lệ thu lãi đạt kết quả tương đối cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp.

Đến thăm các mô hình trồng rừng ở xã Bình Trung; chăn nuôi trâu, bò ở xã Yên Thịnh; nuôi cá ở xã Bằng Lãng; nuôi lợn, gà ở thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn… Chúng tôi thấy rõ những chuyển biến trong đời sống kinh tế của bà con nhân dân. Nhờ đồng vốn của ngân hàng triển khai kịp thời, cộng với những tiến bộ khoa học tiếp thu được, những kinh nghiệm thực tế, các hộ đã không ngần ngại triển khai thực hiện đa dạng mô hình phát triển kinh tế và bước đầu đã đem lại hiệu quả.

Gia đình chị Nông Thị Luyện ở xã Đồng Lạc, là một trong những hộ tiêu biểu có nhiều nỗ lực trong việc giảm nghèo ở địa phương. Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, chị Luyện được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện, để phát triển kinh tế hộ, chị đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư trồng rừng và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Nông Thị Luyện, chia sẻ: “Cuộc sống gia đình tôi trước đây rất khó khăn do thiếu vốn để đầu tư, tuy nhiên được sự quan tâm, tạo điều kiện của NHCSXH huyện thông qua tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư mô kinh tế tổng hợp và bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình tôi thu về từ 50 - 60 triệu đồng, số tiền trên đủ để trả gốc và lãi ngân hàng, đồng thời duy trì ổn định cuộc sống gia đình”.

Có thể khẳng định, nguồn vốn vay hộ nghèo của Chính phủ, kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao KHKT, đã giúp cho đời sống của các hộ nghèo trong huyện Chợ Đồn có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ những phương thức sản xuất lạc hậu, manh mún, mang tính tự cung tự cấp dựa nhiều vào tự nhiên là chủ yếu, đến nay nhiều hộ nghèo của huyện đã biết đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả đặc sản…, áp dụng theo những tiến bộ khoa học mới, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trong toàn huyện xuống còn 14,31%.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Thành Trung, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung cho vay quay vòng, không để tồn đọng vốn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Nhà nước, đồng thời chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo; đề xuất với NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng tổng dư nợ lên cao hơn nữa, để có thể nâng mức đầu tư cho các hộ nghèo được vay vốn, từng bước mở rộng về quy mô cũng như hình thức sản xuất, nhằm tăng thu nhập và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo Báo Bắc Kạn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác