Yên tâm bám đất

12/09/2014
(VBSP News) “Ngày 14/8/2014, khi đích thân được nhận bò từ tay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tôi không dám nghĩ đó là sự thật. Chồng mất đã 10 năm, một mình nuôi 3 đứa con vất vả cả ngày, nhưng vẫn không đủ ăn, tôi đâu dám mơ tưởng chuyện mua bò. Thế nên, được tặng bò tôi mừng lắm. Đã được vay vốn NHCSXH, lại được tặng bò sinh sản chăn nuôi, tạo vốn ban đầu, tôi chắc từng bước sẽ vượt qua đói nghèo, yên tâm bám đất, bám bản, không phải đi làm thuê ở nơi khác nữa”. Đó là câu nói của chị Lăng Thị Pháy, dân tộc Nùng ở xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) là một trong 50 hộ đầu tiên được nhận bò từ Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”.
Chủ tịch nước thăm hỏi bà con dân tộc nghèo được tặng bò

Chủ tịch nước thăm hỏi bà con dân tộc nghèo được tặng bò

Để tiếp tục góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, chia sẻ khó khăn với người nghèo ở khu vực biên giới phía Bắc và vùng Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Bộ đôi biên phòng đã phối hợp với UBTƯMTTQ, Trung ương Hội chữ thập đỏ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), NHNN, NHCSXH tổ chức triển khai Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Đánh giá sáng kiến hỗ trợ bò giống cho người nghèo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là 2 nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Tại những vùng biên giới, đồng bào nơi đây là những người trực tiếp, tích cực bảo vệ chủ quyền đất nước, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Tuy nhiên, hiện đa phần đời sống của đồng bào biên giới còn nghèo. Các xã khu vực biên giới cũng là những địa phương khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” là sáng kiến tốt, tạo vốn ban đầu để bà con vùng biên giới phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.

50 con bò giống đầu tiên trong tổng số 36 nghìn con trong Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã được trao cho 50 hộ đồng bào DTTS khó khăn ở 2 xã biên giới Thanh Lòa và Bảo Lâm, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn). Có mặt trong buổi Chủ tịch nước tặng bò, Giám đốc NHCSXH huyện Cao Lộc Đinh Thị Lạng, nhận xét: Hân hoan, nghẹn ngào, xúc động, ngỡ như là giấc mơ… là những trạng thái cảm xúc của 50 hộ dân được nhận bò ngày 14/8. Đối với NHCSXH huyện là một nguồn động viên, chúng tôi nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người nghèo, các hộ chính sách ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn!

Cao Lộc là huyện miền núi, có 72 km đường biên giới. Toàn huyện có 201 xã và 2 thị trấn, thì 7 xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn; 20 thôn đặc biệt khó khăn của 9 xã khu vực II thuộc diện được hưởng Chương trình 135 giai đoạn II của Chính phủ. Huyện có 5 dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa cùng chung sống. Mặc dù bao trọn TP. Lạng Sơn, có cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, ga Đồng Đăng, có các cặp chợ biên giới quan trọng nhưng huyện Cao Lộc đến nay sản xuất nông - lâm - nghiệp vẫn là chủ yếu. Trong khi đó diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ - 10% diện tích đất tự nhiên của huyện. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 còn 14,25% (2.246 hộ), hộ cận nghèo 16,39% (2.812 hộ).

Xuất phát từ tình hình thực tế, NHCSXH huyện Cao Lộc cho vay 10 chương trình, với tổng dư nợ 149,365 tỷ đồng (đến hết tháng 8/2014). Trong đó, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có dư nợ lớn nhất 58,638 tỷ đồng, tiếp đến hộ nghèo 47,690 tỷ đồng, hộ cận nghèo 20,147 tỷ đồng. Sau gần 8 năm thực hiện Quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hàng trăm hộ nông dân ở vùng sâu, vùng biên giới của huyện Cao Lộc đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến xã vùng biên Xuất Lễ hỏi chuyện những hộ làm ăn kinh tế giỏi, lãnh đạo xã hồ hởi nói ngay: Xã có nhiều hộ làm kinh tế khá giỏi, nhưng điển hình nhất là hộ Lương Văn Hiệp (40 tuổi) ở thôn Bản Ngõa, từ một hộ nghèo nay đã xây dựng được nhà kiên cố, mua ô tô tải chở hàng, mở dịch vụ thu mua nông sản. Kể lại chuyện vươn lên thoát nghèo, anh Hiệp cho biết: Trước năm 2004 gia đình thuộc diện hộ nghèo, được NHCSXH cho vay 5 triệu đồng, chăn nuôi lợn nái. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, có ít vốn anh mở cửa hàng sửa chữa xe máy, tiến lên mua ô tô bán tải để vận chuyển hàng hóa… Đến nay, tuy đã thoát nghèo, có của ăn, của để, nuôi các con ăn học, nhưng gia đình anh cũng như nhiều hộ đã thoát nghèo ở Cao Lộc, vẫn cần nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, yên tâm bám đất, bám bản xây dựng vùng biên mạnh về kinh tế, vững về chính trị.

Bài và ảnh Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác