Chợ na Đồng Bành

12/09/2014
(VBSP News) Hàng năm cứ vào dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch người dân Lạng Sơn lại vào mùa thu hoạch na. Hàng ngàn người trồng na từ Chi Lăng, Hữu Lũng, Lai Kinh, Hòa Lộc... mang na được thu hoạch tập trung về chợ Đồng Bành, tạo nên một khu chợ na kéo dài hơn 1km bên Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Chi Lăng. Chợ na Đồng Bành tấp nập suốt sáng, được coi là chợ na lớn nhất miền Bắc. Mỗi ngày có hàng trăm xe tải kéo về mua hàng, rồi chở đi tiêu thụ khăp mọi miền đất nước.
Từ sáng sớm, những chiếc xe ba gác chất đầy na từ Quốc lộ 1A liên tục ra vào chợ

Từ sáng sớm, những chiếc xe ba gác chất đầy na từ Quốc lộ 1A liên tục ra vào chợ

Do hiệu quả kinh tế cao, thổ nhưỡng thích hợp, vùng na ở phía Nam tỉnh Lạng Sơn đang được mở rộng dọc hai bên Quốc lộ 1A, từ Hữu Lũng (giáp Bắc Giang) lên đến thành phố Lạng Sơn. Na được trồng từ chân núi đến tận đỉnh những dãy núi đá vôi cao ngút ngàn, dựng đứng. Cửa ải Chi Lăng - bức tường thành vững chắc của kinh thành Thăng Long xưa, giờ đây, những nương na xanh ngắt xen giữa núi đá trùng điệp giăng khắp vùng… Cây na đã leo lên núi, bám rễ và “ngự trị” trên các dãy núi đá, trở thành món đặc sản “nức tiếng” là cây trồng chủ lực, cây giảm nghèo và làm giàu của vùng biên ải.

Huyện Chi Lăng có 20 xã và 2 thị trấn. Na được trồng tập trung ở thị trấn Chi Lăng và 7 xã dọc theo Quốc lộ 1A. Với diện tích khoảng 1.200ha, sản lượng trên 7.000 tấn, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho nhà nông. Nhiều người ví, những “rừng na” ở Chi lăng là tiền tỷ treo trên núi đá. Quả không sai. Tại đây, nhà nhà trồng na. Thị trấn Chi Lăng chủ yếu có 3 dân tộc Tày, Nùng, Kinh… cùng sinh sống, phương hướng sản xuất là nông, lâm nghiệp và dịch vụ nhỏ, nhưng chủ yếu trồng na. Nhà trồng ít 100 - 150 cây, nhà trồng nhiều 2.000 cây, với cách tính 1.000 cây na/ha, thị trấn có khoảng 340ha trồng na. Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Văn Tuấn, hiện thị trấn Chi Lăng có dư nợ của NHCSXH trên 14 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo trên 9 tỷ đồng, hộ cận nghèo hơn 2 tỷ với 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động, hơn 700/1.381 hộ toàn thị trấn còn dư nợ. Không có con số cụ thể cho vay trồng na, nhưng ông Phó Chủ tịch thị trấn khái quát: Na là cây trồng chủ lực của thị trấn nên các hộ trồng na, đặc biệt đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn hầu hết vay vốn NHCSXH. Rất nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ cây na.

Chị Đỗ Thị Nuôi (bên trái) giới thiệu về vườn na của gia đình

Chị Đỗ Thị Nuôi (bên trái) giới thiệu về vườn na của gia đình

Chị Đỗ Thị Nuôi, năm nay 41 tuổi, ở thôn Minh Hòa, được NHCSXH cho vay 30 triệu, trồng 300 cây na. Na trồng 3 năm mới cho quả, năm 2012, vụ đầu thu hoạch hơn 20 triệu đồng, chị trả hết nợ ngân hàng. Năm 2013 thoát nghèo, vừa rồi được vay tiếp 30 triệu đồng vốn cận nghèo, chị đầu tư chăm sóc và tiếp tục mở rộng vườn na. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, như tỉa cành, thụ phấn bằng tay, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời, na Chi Lăng thơm ngon, chắc thịt, ít hạt và hàm lượng dinh dưỡng cao, năng suất khá ổn định. Chị Nuôi dự tính năm nay thu khoảng trên 30 triệu đồng. “Nhờ có cây na, được NHCSXH tiếp sức, giờ thì… không thể nghèo nữa rồi” - chị Nuôi quả quyết.

Cùng với thị trấn, xã Chi Lăng là một trong nhưng đơn vị có diện tích na nhiều của huyện - trên 200ha. Theo lời Bí thư Đảng ủy xã Lăng Văn Thạch, trước năm 2.000, đời sống của bà con các dân tộc trong xã gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 27%. Thực hiện cuộc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, xã Chi Lăng đã thành công với mô hình phát triển cây na trên sườn núi dốc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với trên 3.000 gốc na, ông Hoàng Văn Chất nông dân thôn Đá Mài thu trên 300 triệu đồng/năm. Ông Chất bộc bạch: “Có nguồn thu ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả, chứ trước đây gia đình nghèo lắm. Giờ thì khác rồi. Nhà tầng to nhất xóm. Trong xã tôi hộ ít cũng vài trăm cây, hộ nhiều gần chục ngàn cây na. Hộ khá giả giàu từ na thì nhiều vô kể. Nhà tôi chưa ăn thua gì đâu”!

Nhờ kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, năm 2011 xã Chi Lăng được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã có hệ thống điện, đường, trường, trạm đầy đủ, khang trang, sạch,đẹp. 14/14 thôn, bản đều có nhà văn hóa; 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Năm 2.000, bình quân thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/người, năm 2013 tăng lên trên 10 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, toàn xã không còn hộ đói.

Sản phẩm na Chi lăng đã được bảo hộ nhãn hiệu

Sản phẩm na Chi lăng đã được bảo hộ nhãn hiệu

Năm 2011 na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ và ngay sau đó với chất lượng của mình, na Chi Lăng lọt vào tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Hai năm qua, na Chi Lăng được mùa, được giá; vụ na năm nay cũng đầy triển vọng. Vùng na vẫn đang được tiếp tục mở rộng, từ núi đá, na đã xuống vườn, rồi thay thế cây trồng khác. Từ cây trồng chủ lực, cây giảm nghèo, ngày nay người dân Chi Lăng lại trìu mến gọi một cách dân dã, cây na là “cây nông thôn mới”!

 

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác